pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần sớm giải “cơn khát” nhà trẻ cho con công nhân, người lao động có thu nhập thấp
Ảnh minh họa: TTXVN
Bài 1 "Tôi cũng muốn gửi con vào trường công nhưng con chưa đủ tuổi"
Tìm được nơi gửi con mới tính quay lại làm việc
Chị Đinh Thị Thủy (trú tại xã Vạn Điểm) cho biết, con gái chị được 17 tháng tuổi. Chị mới gửi con ở điểm trông trẻ nơi bé Đ. bị bạo hành dẫn đến tử vong được 10 ngày thì xảy ra sự việc.
"Chồng tôi đi làm ăn xa, ông bà cũng chẳng còn ai, ở nhà chỉ có tôi và con gái. Tôi ở nhà làm đậu phụ và bán. Công việc bận rộn nên tôi mới phải gửi con đi lớp. Điểm trông trẻ này ở gần chỗ tôi ở, hoạt động cũng được vài năm nay rồi. Thấy không có vấn đề gì nên tôi mới đưa con sang gửi", chị Thủy chia sẻ.
Ban đầu, chị Thủy định để con cứng cáp hơn rồi mới gửi đi lớp nhưng tiền ăn, tiền sữa, tiền bỉm… rất nhiều khoản phải chi, nếu chỉ phụ thuộc vào thu nhập của chồng chị thì không đủ. Sau vụ việc của bé Đ., chị Thủy quyết định gác lại hết mọi việc để chăm con.
"Tôi cũng muốn gửi con vào trường công, vừa rẻ lại vừa yên tâm nhưng khổ nỗi con chưa đủ tuổi. Giờ tôi chỉ mong sao có một nơi gửi con an toàn, học phí hợp lý, sau đó mới tính đến chuyện quay lại làm việc", chị Thủy nói.
Bà Lê Thị Hải (ở xã Vạn Điểm) cho biết, cháu nội bà năm nay 3 tuổi cũng được gia đình gửi ở cơ sở trông trẻ nơi xảy ra vụ việc được mấy tháng nay. Tuy nhiên, gia đình chỉ gửi thứ Bảy và Chủ nhật ở đây, các ngày còn lại cháu được học tại trường mầm non công lập trên địa bàn.
"Cháu tôi đi học mầm non ở công lập thì rất vui vẻ, thích đi học nhưng khi gia đình gửi sang cơ sở trông trẻ của An và Lành thì cháu hay khóc, bám chân người thân không muốn vào lớp. Khi nghe tin cháu Đ. bị ngất, phải đi bệnh viện cấp cứu, gia đình tôi vội vàng chạy sang cơ sở trông trẻ đón cháu mình về nhà và từ đó đến nay chưa dám gửi cháu đi vào thứ Bảy, Chủ nhật", bà Hải cho hay.
Thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, đa số vụ việc nghiêm trọng đều xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục, bởi nơi đây phần lớn là thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Để xảy ra những vụ việc trẻ bị sát hại tại cơ sở giáo dục, không thể không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục. Cụ thể, trong vụ việc của bé Đ., chính quyền địa phương đã biết cơ sở này hoạt động không phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã xử lý nhiều lần nhưng chưa dứt điểm, vẫn để cơ sở này hoạt động lén lút, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Trước đó, trả lời Báo PNVN, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), cho biết: "Cơ sở trông giữ trẻ này hoạt động không có giấy phép, chúng tôi đã nhiều lần xử phạt. Tuy nhiên, cơ sở trông giữ trẻ này vẫn lén lút, đưa đón trẻ xong lại đóng kín cửa, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Vấn đề này chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm vì đã không kịp thời xử lý dứt điểm".
Đồng tình với việc cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở mầm non tư thục, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng chỉ ra "lỗ hổng" trong kiến thức làm cha mẹ từ vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành ở lớp mầm non tự phát dẫn đến tử vong.
"Các thành viên trong gia đình cháu bé thiếu kiến thức bảo vệ trẻ nên con bị bạo hành nhiều ngày mà không phát hiện ra. Các tổ chức, trong đó có Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhưng thiết nghĩ cần làm nhiều hơn nữa", ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Việc rà soát, kiểm tra thường xuyên những cơ sở mầm non tư thục, kiên quyết xử lý những cơ sở hoạt động không phép thiết nghĩ là cần nhưng chưa đủ. "Bài toán" thiếu nơi gửi trẻ cho con công nhân, người lao động có thu nhập thấp hiện có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở số báo sau.
Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1992), cùng trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, để điều tra về tội "giết người".
Theo hồ sơ vụ án, sáng 23/2/2023, cháu Đ. (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được mẹ đưa tới lớp. Đến khoảng 9h, hai đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Lành dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, đối tượng dùng tay tát nạn nhân. Về phía An đã dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu cháu bé. Chiều cùng ngày, khi bố mẹ đến đón cháu Đ. thì 2 đối tượng bảo rằng cháu bé bị ngã trong quá trình đùa nghịch tại lớp. Đỉnh điểm, sáng 26/2, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng do thương tích quá nặng, cháu Đ. đã tử vong vào ngày 2/3. Kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
(Còn nữa)