pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần sớm sửa đổi Nghị định 64 về hoạt động từ thiện, quyên góp, hỗ trợ
Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Nghị định 64 của Chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" được ban hành ngày 14/5/2008. Hơn 10 năm qua, Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, qua đó giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố. Đồng thời, Nghị định 64 khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập.
Do đó, theo các đại biểu, Nghị định 64 sửa đổi cần tạo điều kiện để sự phân phối, việc thực hiện hoạt động thiện nguyện dễ dàng, tới đúng đối tượng đích, đảm bảo tính chuyên nghiệp hiệu quả. Cần minh bạch và trách nhiệm giải trình, công tác giám sát, giải trình không chỉ tài chính mà giải trình kiểm toán xã hội, cũng như công tác ghi nhận, khen thưởng… Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 64 của Bộ Tài chính.
Mùa bão lũ năm 2020 đã để lại nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung với 130 người bị chết, gần 300.000 hộ dân bị ngập; 30.000 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, thiệt hại lên đến 30.000 tỷ đồng. Chính phủ đã khẩn trương chi 670 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các tỉnh và đã có một làn sóng thiện nguyện và cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân khắp cả nước hỗ trợ người dân miền Trung. Ngay sau đợt thiên tai, tổ chức Oxfam tại Việt Nam và đối tác đã hoàn thành triển khai cấp phát tiền mặt không điều kiện, cấp phát bồn chứa nước và các bộ dụng cụ vệ sinh cho hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị. 43.450 người, trong đó có 22.141phụ nữ được hưởng lợi từ chương trình này.
Trong quá trình làm việc, bên cạnh những bài học kinh nghiệm tốt, Oxfam cũng nhận thấy một số bất cập tại các địa phương liên quan tới vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai. Vì vậy, ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh, Nghị định 64 đã đến lúc cần sửa đổi.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, bức tranh thiện nguyện thực tế đang mang tính cấp thiết như tình trạng tổ chức hoạt động từ thiện, cứu trợ còn thiếu chuyên nghiệp, chồng chéo, lãng phí. Làm từ thiện, cứu trợ thiếu công bằng, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Thậm chí, những người làm từ thiện, cứu trợ bị dèm pha, ganh ghét hay lợi dùng hoạt động từ thiện, cứu trợ để trục lợi…
Theo ông Dũng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64 hiện cũng chưa bao quát hết công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn cho người dân do tác động của dịch bệnh. Nghị định chưa điều chỉnh đối với cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
"Nghị định 64 cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, cứu trợ. Xóa bỏ những hạn chế pháp lý không cần thiết cản trở hoạt động này. Giảm thuế cho những tổ chức và cá nhân làm từ thiện, cứu trợ cũng như có các giải pháp thiết thực để bảo vệ những tổ chức cá nhân thiện tâm và tích cực làm từ thiện", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập – Công ty luật NH Quang và cộng sự nêu rõ, Nghị định 64 sửa đổi là rất cần thiết. Về lâu dài hơn, trong 5 năm tới, cần một Luật bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế. Khi sửa đổi Nghị định 64, về chính sách và pháp luật, cần giải quyết tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng. Mặt khác, hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương. Bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia…