Muốn xã hội chung tay từ thiện, cần lấy được "niềm tin" của cộng đồng  

Muốn xã hội chung tay từ thiện, cần lấy được "niềm tin" của cộng đồng

Đất nước ta còn nghèo, nhiều mảnh đời khó khăn, người bị hoạn nạn cần giúp đỡ rất cần chung tay của xã hội. Nhưng muốn người dân chung tay, phải lấy được niềm tin của cộng đồng. Niềm tin là một trong các yếu tố quan trọng khiến một người quyết định có đóng góp cho hoạt động từ thiện hay không.

Có thể nói, hiện nay "thiện nguyện" đang nở rộ thành phong trào. Vì thế, người người làm thiện nguyện, nhà nhà làm thiện nguyện. Bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp của thiện nguyện thì cũng có những bất cập còn tồn tại cần được khắc phục, góp phần lan tỏa yêu thương đến với các mảnh đời bất hạnh. PNVN đã trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

+ Thưa PGS. TS Trịnh Hòa Bình, ông đánh giá thế nào về công tác thiện nguyện hiện nay?

- PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Từ thiện là hoạt động chia sẻ, giúp đỡ người người yếu thế xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương của con người. Người Việt đã có truyền thống yêu thương nhau và được cha ông ta truyền dạy qua các câu ca dao, tục ngữ:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

                        Hay:

 "Lá lành đùm lá rách"

Thực tế hiện nay, trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo như chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hay tặng quà các dịp lễ, Tết... Các cơ quan, đơn vị cũng thực hiện nhiều chương trình từ thiện như "Mái ấm biên cương", tặng "Nhà tình nghĩa", nhà "Đại đoàn kết",...

Ngoài các cơ quan nhà nước, nhiều cá nhân tự làm thiện nguyện theo các cách khác nhau phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình. Có thể họ trực tiếp bỏ tiền làm thiện nguyện, hoặc kêu gọi cộng đồng chung tay còn bản thân là cầu nối.

Bài cuối: Muốn xã hội chung tay từ thiện cần lấy được "niềm tin" của cộng đồng   - Ảnh 1.

Phụ nữ Quân đội trao quà ủng hộ Chương trình Mottainai do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức

Các hoạt động từ thiện được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như như trao tặng quần áo, sách vỡ, nhu yếu phẩm, cứu trợ nhân đạo do thiên tai bão lũ; xây những công trình hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Dù là tổ chức hay cá nhân từ thiện dưới hình thức nào thì cơ bản cũng là điều tốt bởi đã hỗ trợ được những mảnh đời khó khăn. Tinh thần làm việc thiện cần được động viên, lan tỏa bởi đất nước còn nghèo, chưa thể lo hết cho tất cả những hoàn cảnh trong xã hội. 

Đối với các cá nhân làm thiện nguyện, qua đánh giá, tôi cho rằng hiện nay có từ thiện theo bề nổi và từ thiện "chìm". Từ thiện theo bề nổi là những cá nhân làm từ thiện nhưng với mục đích đánh bóng tên tuổi của mình. Vì thế, làm từ thiện ở đâu cũng có bộ phận hỗ trợ truyền thông đi theo, rồi đăng bài, livetream trên mạng xã hội. Nhóm này lấy sự nổi tiếng về cho bản thân chứ không xuất phát từ thực tâm thiện nguyện. Bởi khi đã có số lượng người theo dõi lớn, họ sẽ có một mục đích khác như để bán hàng hay tạo dư luận cho các vấn đề mà mình hướng đến. Khi đó, với họ từ thiện chỉ là "bàn đạp".

Từ thiện "chìm" là những người thầm lặng làm việc. Họ làm thiện nguyện một cách "lặng lẽ" mà không muốn nhiều người biết đến. Có người làm nhỏ, như trao học bổng, tặng các bữa ăn cho bệnh nhân, hay tặng tiền hỗ trợ người nghèo những ngày lễ, Tết. Nhưng cũng có người làm lớn bằng cách thành lập các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, xây trường, lớp, cầu cống cho địa bàn khó khăn. Họ thiện nguyện mà không cần đưa tin, chụp hình. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn không muốn để lại danh tính, thông tin tại những nơi đã thiện nguyện. Nhóm này chiếm số lớn, chiếm khoảng 80% số người làm thiện nguyện.  

Bài cuối: Muốn xã hội chung tay từ thiện cần lấy được "niềm tin" của cộng đồng   - Ảnh 2.

Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã trao tặng cho 5 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ vì tai nạn giao thông tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa số tiền 7 triệu đồng. Đây là số tiền trong Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” của Báo Phụ nữ Việt Nam trao tặng

+ Theo ông, công tác thiện nguyện hiện nay có những bất cập gì?

 - PGS.TS  Trịnh Hòa Bình: Công tác thiện nguyện hiện nay có nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm. Trước hết là việc người dân làm từ thiện theo phong trào mà không quan tâm xem người cần hỗ trợ muốn gì. Ví như thấy hình ảnh em bé vùng cao không mặc quần khi trời rét, nhiều người bèn kêu gọi cộng đồng ủng hộ ngay. Cộng đồng lập tức ùn ùn gửi quần áo cũ ủng hộ, rồi  mang tất lên vùng cao trao cho người dân. Thế nhưng, phần lớn quần áo người miền xuôi ủng hộ cho vùng cao không sử dụng được trang phục, văn hóa của họ khác. Trong khi đó, đồ ủng hộ nào áo 2 dây, quần bò, cũ có, rách có… thì thử hỏi người dân dùng sao được. Nếu người kêu gọi từ thiện dành chút thời gian hỏi chính quyền địa phương xem bà con cần gì, văn hóa của người dân vùng đó như thế nào rồi tổng hợp lại để mua và tặng bà con sẽ hợp lý hơn. Trường hợp "ngại" chính quyền tham gia, có thể mời đại diện địa phương đến chứng kiến là được.

Ngoài ra, có một số trường hợp lợi dụng những hoàn cảnh thương tâm để thu lợi. Đối tượng này copy những dòng kêu gọi của các nhà từ thiện chân chính, đổi số tài khoản của mình rồi nhận tiền chuyển khoản từ người khác. Số tiền nhận được họ trích một phần nhỏ trao cho những nạn nhân rồi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để chứng tỏ "tôi đã trao đúng người". Thực tế, đã có một số trường hợp làm từ thiện trục lợi đã bị "bóc phốt" rồi hứng chịu búa rìu dư luận.

Tiếp đó là tình trạng tuyên truyền, tung hô quá đà của mạng xã hội đối với một số cá nhân, tổ chức. Đây cũng đã là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để công kích Ðảng, chế độ, gây mất đoàn kết cộng đồng.

+ Với những người từ thiện "chìm" thì sao, thưa ông?

- PGS.TS  Trịnh Hòa Bình:  Với những người từ thiện chìm chỉ nhằm mục đích "thanh thản tâm hồn". Họ không cần truyền thông, không làm hình ảnh, cũng không quan tâm đến dư luận. Họ làm từ thiện để tạo phúc đức cho con cháu về sau, để xoa dịu đi những thiếu thốn, những khó khăn bất hạnh trong xã hội. Chính những hành động từ thiện thật tâm ấy sẽ lan tỏa những điều tích cực đến toàn thể xã hội. Tôi đánh giá rất cao nhóm từ thiện này và mong muốn ngày càng có nhiều người chung tay cùng họ.

Bài cuối: Muốn xã hội chung tay từ thiện cần lấy được "niềm tin" của cộng đồng   - Ảnh 3.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

+ Nhiều người cho rằng, dư luận không tin tưởng "người nhà nước" trong công tác thiện nguyện, quan điểm của ông thế nào?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình:  Báo chí đã phản ánh một số người trong các cơ quan nhà nước được giao phụ trách công tác từ thiện nhưng đã không làm hết trách nhiệm, thậm chí lợi dụng để trục lợi. Cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố một số trường hợp trục lợi như ăn bớt đồ cứu trợ, biển thủ tiền cứu trợ hỗ trợ vùng bão lũ, thiệt hại do thiên tai. Vì thế, nhiều nhà hảo tâm mất niềm tin nơi chính quyền và không muốn thông qua chính quyền. Thay vào đó, họ gửi gắm niềm tin vào những cá nhân, nhất là những người nổi tiếng. Ví như trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chỉ trong thời gian ngắn ca sĩ Thủy Tiên đã kêu gọi được hơn 200 tỷ đồng. Một số tiền rất lớn. Điều đó, chứng tỏ người dân sẵn sàng chung tay hỗ trợ người vùng khó khăn, hoạn nạn nhưng phải thông qua người mà họ tin tưởng. Đó cũng là vấn đề mà các tổ chức được giao phụ trách công tác từ thiện xem xét lại. 

Ngoài ra, cũng có tình trạng hành chính hóa "từ thiện" tại các cơ quan nhà nước. Ví như, hàng năm các cơ quan đều có chỉ tiêu giao ủng hộ hộ nghèo từ 1-2 ngày lương. Để đạt được chỉ tiêu, người được giao đã trừ đi một khoản nhất định từ tiền lương của cán bộ đang công tác hoặc đã hưu trí cho mục đích từ thiện. Cách thu tiền này đã khiến cho nhiều người cảm thấy không "thoải mái" khi cho rằng họ gần như bị buộc phải làm từ thiện. Trong khi từ thiện là tùy tâm.

+ Vậy làm thế nào để hoạt động từ thiện đem lại hiệu quả, thưa ông?

- PGS.TS  Trịnh Hòa Bình: Đất nước ta còn nghèo, thu nhập của người dân chưa cao trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều vấn đề phải lo. Vì thế, sự chung tay của xã hội với những mảnh đời khó khăn là cần thiết. Muốn vậy, phải lấy được niềm tin nơi dân chúng. Niềm tin là một trong các yếu tố quan trọng khiến một người quyết định có đóng góp cho hoạt động từ thiện đó hay không.

Nhà nước cần dần dần gỡ bỏ việc "hành chính hóa" trong huy động nguồn lực cho công tác từ thiện. Việc này không những tránh được việc làm xói mòn các giá trị đạo đức tốt đẹp của cộng đồng. Sự tự nguyện của cá nhân, mà còn mở đường cho các thành phần xã hội khác tham gia vào công tác từ thiện. Nhà nước cần có chính sách tuyên dương, biểu dương ghi nhận những nỗ lực của những người thiện nguyện "thầm lặng". Đó cũng là cách để tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về công tác thiện nguyện cũng như chia sẻ các mảnh đời khó khăn để cả xã hội cùng chung tay.

Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động truyền thông, vận động xã hội thay đổi cách nghĩ về công tác thiện nguyện. Chấn chỉnh các hoạt động thiện nguyện sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ; Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức được giao phụ trách công tác thiện nguyện nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, làm cộng đồng mất niềm tin.

Bên cạnh đó, mỗi người dân trong xã hội cũng cần tự ý thức hoạt động từ thiện phải được tiến hành từ cái tâm trong sáng, không làm từ thiện để thực hiện ý đồ cá nhân, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương liên quan.

+ Xin cảm ơn PGS.TS  Trịnh Hòa Bình.

Linh Trần (thực hiện)