Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng

Châu Anh (Tổng hợp)
22/04/2025 - 09:55
Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng
Thỉnh thoảng bị tê chân không phải là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng nếu thường xuyên bị tê chân, hãy cẩn thận với 8 nguyên nhân cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt này.

Tê chân thường không gây hại nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, nhưng có thể là dấu hiệu của nguyên nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như dây thần kinh bị chèn ép, thoát vị đĩa đệm hoặc tình trạng bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc lupus. Đặc biệt là khi cảm giác tê chân đi cùng các triệu chứng khác như châm chích ở chân, ngứa ran, phát ban ở chân...

Tê chân được mô tả là chân dường như bị mất cảm giác. Tùy từng nguyên nhân gây tê chân do đâu mà thời gian tê chân kéo dài và mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau. Với các vấn đề nhỏ, cảm giác tê chân sẽ nhanh chóng qua đi khi lưu lượng máu bình thường trở lại, nhưng với các vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể bạn cần can thiệp điều trị y tế để trở lại bình thường cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm do điều trị muộn.

Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng- Ảnh 1.

Tê chân được mô tả là chân dường như bị mất cảm giác. Ảnh: ST

1. Tê chân là bệnh gì?

Theo Health, dưới đây là những nguyên nhân gây tê chân cần chú ý. Lưu ý, những thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ tại bệnh viện.

- Dị cảm (Paresthesia): Ngồi vắt chéo chân một lúc quá lâu (tư thế ngồi sai cach) hoặc ngủ kê tay duối gối sẽ gây ra cảm giác tê, ngứa ran, châm chích như kiến bò, nóng rát,… đều được gọi chung là dị cảm. Do các dây thần kinh ở chân bị chèn ép tạm thời, ảnh hưởng tới quá trình "giao tiếp" giữa não và các dây thần kinh này. Khi cử động chân trở lại, tình trạng tê chân sẽ biến mất.

- Đau dây thần kinh tọa: Nếu dây thần kinh bị chèn ép, bạn có thể bị tê chân kèm theo cảm giác đau buốt dọc từ lưng, qua hông và mông rồi xuống cả hai bên chân. Cảm giác tê chân kèm theo ngứa ran ở nhiều phần khác nhau của chân như đùi, sau đầu gối. Đau thần kinh tọa thường ảnh hưởng đến một bên cơ thể. Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này nếu thường xuyên ngồi lâu, bị thừa cân hoặc do tuổi tác cao.

Điều trị đau dây thần kinh tọa thường gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc tiêm steroid và vật lý trị liệu, đôi khi phẫu thuật có thể được chỉ định để giảm áp lực lên dây thần kinh.

- Bệnh tiểu đường: Bệnh thần kinh do tiểu đường, hay tổn thương thần kinh, xảy ra ở những người bị tiểu đường có lượng đường trong máu cao không kiểm soát được. Nói cách khác, đường huyết cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, còn gọi là biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường.

Các dây thần kinh bị ảnh hưởng có thể bao gồm những dây thần kinh truyền tín hiệu giữa não và cột sống và các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như chân. Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của chân. Ví dụ, bệnh thần kinh gần ảnh hưởng đến đùi, hông và mông.

Người bệnh có thể bị tê chân kèm theo cảm giác châm chích như kiến bò ở bàn chân. Tê chân bắt đầu ở ngón chân rồi từ từ di chuyển lên trên và thường là ở cả hai bàn chân. Tê chân do tiểu đường có thể tệ hơn vào ban đêm. Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường gồm: Đau nhói hoặc chuột rút chân, mất thăng bằng, dị cảm, đi rơi dép không biết,...

Để ngăn ngừa bệnh thần kinh tiểu đường, điều quan trọng là kiểm soát đường huyết tốt bằng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc tiểu đường theo đơn. Mặc dù không có cách chữa trị khi có tổn thương thần kinh xảy ra nhưng bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách để kiểm soát các triệu chứng. Đồng thời, người bệnh tiểu đường cần kiểm tra chân hàng ngày bởi cảm giác tê chân có thể gây khó khăn trong việc phát hiện sớm các vết cắt, loét ở chân - nhiễm trùng ở bệnh tiểu đường có thể nghiêm trọng và lâu lành hơn người bình thường.

- Bệnh đa xơ cứng: Tê chân là triệu chứng sớm của bệnh đa xơ cứng. Bệnh đa xơ cứng còn gọi là xơ cứng rải rác, là tình trạng hệ miễn dịch tự tấn công hệ thần kinh trung ương khiến não bộ không thể truyền tin chính xác tới các cơ quan trên cơ thể. Chân của người mắc bệnh đa xơ cứng có thể có cảm giác tê, châm chích như kim châm cứ xuất hiện rồi biến mất; thậm chí cảm giác tê nghiêm trọng tới mức người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân dẫn tới khó khăn khi di chuyển.

Ngoài tê, châm chích ở chân thì triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể gồm: Mệt mỏi, cứng cơ hoặc co thắt cơ, yếu cơ, cảm giác chóng mặt và choáng váng, các vấn đề về thị lực và thay đổi tâm trạng. Nguyên nhân chính xác của bệnh đa xơ cứng vẫn chưa được làm rõ. Một số bằng chứng cho thấy di truyền và nhiễm trùng do virus hoạt động chậm hoặc không hoạt động như virus Epstein-Barr (EBV) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

- Bệnh lupus: Lupus là một rối loạn tự miễn dịch trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh. Những người bị lupus có thể bị tổn thương thần kinh, thường dẫn đến tê ở một bên cơ thể. Cụ thể, người bệnh có thể bị tê, liệt và yếu ở cánh tay, mặt hoặc chân. Các phương pháp điều trị lupus bao gồm thuốc sinh học, thuốc giảm đau và corticosteroid tại chỗ có thể giúp giảm tình trạng tê chân hay các bộ phận khác.

Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng- Ảnh 2.

Lupus là một rối loạn tự miễn dịch trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh (Ảnh: ST)

Triệu chứng bệnh lupus thường gặp gồm: Phát ban hình bướm trên mặt, vùng gò má và mũi; sốt kéo dài tái phát liên tục; đau khớp bàn tay, khớp cổ tay, khớp mắt cá chân; sưng hạch bạch huyết, sưng quanh hốc mắt, sưng bắp chân; rụng tóc và để lại một số vùng hói nhỏ trên đầu; ngón tay và ngón chân bị đổi màu do quá trình lưu thông máu bị cản trở; cảm giác kiệt sức đến mức không thể hoạt động; đau ngực khi hít thở sâu hoặc đau ngực khi ho; bị loét ở miệng hoặc ở mũi; xuất huyết với đặc trưng là các chấm đỏ trên da hoặc chảy máu mũi, chảy máu lợi khi đánh răng; đau đầu và các vấn đề về trí nhớ và nhận thức.

- Đột quỵ: Một nguyên nhân gây tê chân đột ngột cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 trên NCBI lưu ý rằng khoảng 50% và 30% số ca đột quỵ xảy ra ở những người trên 75 và 85 tuổi, các triệu chứng có xu hướng giống nhau gồm có: nói lắp, tê liệt và yếu hoặc liệt một bên cơ thể. Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và phổ biến hơn ở những người bị huyết áp cao, tiền sử hút thuốc và tiểu đường.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khác bao gồm:

+ Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức đột ngột.

+ Méo miệng, méo mặt, tê cứng một bên mặt.

+ Nói ngọng, phát âm không tròn vành rõ chữ.

+ Hoa mắt, chóng mặt, đột ngột bị mất thăng bằng, khó khăn trong việc phối hợp các chi (chân, tay).

+ Thị lực giảm đột ngột, tầm nhìn mờ hoặc nhìn đôi.

+ Đau đầu đột ngột và dữ dội có thể kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa.

- Bệnh động mạch ngoại biên: Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) xảy ra khi động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến tay và chân của người bệnh. Bệnh PAD có thể khiến việc đi bộ trở nên đau đớn, ngoài ra còn gây tê và ngứa ran ở cả hai bên chân và bàn chân đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng ở các vùng đó. Nếu đủ nặng, bệnh có thể dẫn tới biến chứng hoại tử, cắt cụt chi.

Nghiêm trọng hơn, PAD thường là dấu hiệu của xơ vữa động mạch, là sự tích tụ các chất béo trong động mạch. Xơ vữa động mạch là yếu tố nguy cơ chính gây đau tim hoặc đột quỵ nếu như không được kiểm soát chặt chẽ.

Tốt nhất, hãy gặp bác sĩ sớm nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

+ Đau chân khi đang đi bộ hoặc leo cầu thang.

+ Cẳng chân hoặc bàn chân bị lạnh.

+ Có vết loét ở ngón chân, bàn chân hoặc chân lâu không lành.

+ Sự thay đổi màu sắc chân.

+ Rụng tóc hoặc lông mọc chậm hơn ở chân hoặc bàn chân.

+ Mất hoặc chậm mọc móng chân.

+ Da chân sáng bóng bất thường.

- Khối u: Mặc dù hiếm gặp nhưng sự xuất hiện của một khối u chèn ép vào dây thần kinh có thể gây tê, ngứa ran ở chân.

Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng- Ảnh 3.

Tê chân khi nào cần thăm khám bác sĩ? Ảnh: ST

- Hội chứng ống cổ chân: Hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân (tarsal tunnel syndrome) là một bệnh lý thần kinh có liên quan đến sự chèn ép của thần kinh chày sau trong đường hầm cổ chân. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng kéo dài từ mắt cá chân tới bàn chân, bao gồm cảm giác ngứa ra và tê ở bất kỳ vị trí nào trên bàn chân đột ngột, không thường xuyên.

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ chân bao gồm: Đau đột ngột hoặc đau nhói, cảm giác giống như bị điện giật, đau kiểu bỏng rát và các triệu chứng thường tệ hơn vào ban đêm hoặc khi đi bộ, đứng và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn nặng hơn có thể giảm hoặc mất cảm giác lòng bàn chân, teo cơ ô mô cái cơ giun ở gan bàn chân.

2. Tê chân khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Trong một số trường hợp, cảm giác tê chân sẽ biến mất nhưng nếu bị tê chân thường xuyên kéo dài hoặc tái phát nhiều lần bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tê chân là bệnh gì và có biện pháp điều trị phù hợp.

Cẩn thận với 8 nguyên nhân gây tê chân nghiêm trọng- Ảnh 4.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng tê chân mà bạn gặp phải (Ảnh: ST)

Hãy kiểm tra sớm với bác sĩ nếu bị tê chân kèm theo: Phát ban; chóng mặt hoặc co thắt cơ, mề đay; tê chân không rõ nguyên nhân; tê chân kèm theo tiểu tiện nhiều lần; cảm giác tê liệt chân khi đang đi bộ; tê chân kèm theo vết loét ở chân nhiều ngày không lành; tê chân kèm theo cảm giác sưng đỏ, nóng ở chân.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng tê chân mà bạn gặp phải, bao gồm: Thời điểm thường bị tê chân, tê chân kéo dài bao lâu, triệu chứng kèm theo tình trạng tê chân là gì,... Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống, xét nghiệm di truyền học, xét nghiệm vi chất, kiểm tra đánh giá chức năng tuyến giáp, chẩn đoán hình ảnh,... để chẩn đoán chính xác hơn.

Trong khi chờ đợi chẩn đoán thì một số biện pháp giúp giảm tê chân tại nhà có thể hữu ích gồm: Đắp gạc mát hoặc chườm nóng, xoa bóp vùng chân bị tê, nghỉ ngơi và nâng cao chân, ngâm mình trong bồn tắm có muối Epsom, đeo nẹp đầu gối và tất nén y tế. Nếu tình trạng tê chân không phải do chấn thương hoặc vấn đề về lưng thì các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng và aerobic như bơi lội, đạp xe và đi bộ có thể giúp ích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm