Cần thêm nguồn lực hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Nhóm PV
26/07/2021 - 13:58
Cần thêm nguồn lực hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyễn. Ảnh minh họa: TTXVN

Dịch bệnh Covid-19 chưa được đẩy lùi nhưng việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng chuyển đổi số đang là giải pháp được nhiều nữ chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện để vượt qua khó khăn mùa dịch. Theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, bên cạnh nỗ lực của bản thân người khởi nghiệp, cần có ngoại lực hỗ trợ, làm "bàn đạp" để họ vực dậy, phục hồi.

Chị Lê Hồng Vân (Công ty TNHH Joy Việt Nam, có cơ sở tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Trong thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, Công ty đã phải ngừng sản xuất hơn 1 tháng. Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm thiết yếu như mì Chũ, bánh đa, bánh phồng... tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Quãng thời gian tạm đóng cửa vì dịch, nhìn đơn hàng gửi về mà chị "lực bất tòng tâm". Với một doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và nhỏ tại địa phương, đó là một thiệt hại nặng nề về doanh thu, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. 80% lao động của Công ty là nữ.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà kinh doanh hộ gia đình cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo chị Thái Thị Hằng (xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), mùa dịch, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng. "Chị em trong xã trồng bơ, rau, củ gừng, nghệ... với số lượng lớn mà đi bán lẻ thì biết khi nào mới bán hết. Bản thân tôi đã chuyển hướng bán thêm tinh dầu, nước lau sàn, các sản phẩm sữa tắm, dầu gội... nhưng đơn hàng cũng bị hủy nhiều".

Trong bối cảnh hiện nay, các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức như: Phải thu hẹp quy mô do nhu cầu thị trường giảm hoặc chuyển sang các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; các hội chợ thương mại bị hủy dẫn đến việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm bị ngừng trệ... Những thách thức này không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế của bản thân người trong cuộc mà còn có nguy cơ đẩy lùi những nỗ lực trong năng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

"Tại tỉnh Đắk Lắk, tình hình dịch bệnh Covid-19 tuy không phức tạp nhưng đời sống kinh tế người dân vẫn bị ảnh hưởng. Nhờ cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2021-2025", nhiều chị em trong buôn đã tiếp cận được nguồn vốn vay, phát triển mô hình kinh tế mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào nông nghiệp cây trồng. Qua khảo sát nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ, buôn tôi đã chọn mô hình "Chăn nuôi phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số" để triển khai thực hiện. Tôi mong muốn có nhiều chị em được tham gia mô hình này và số tiền vay sẽ tăng hơn để chị em đầu tư phát triển chăn nuôi. Tôi cũng mong có thêm nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để chị em học hỏi", chị H’Noen Byă, Chủ nhiệm mô hình chăn nuôi buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk
(còn nữa)

Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm