pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xuất hiện bất bình đẳng giới mới trên thị trường lao động
Dịch Covid-19 làm gia tăng phụ nữ làm việc phi chính thức, tự sản tự tiêu. Ảnh minh họa
Lao động độ tuổi 25 - 54 bị ảnh hưởng nhất
Kết quả điều tra lao động việc làm quý II của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý I. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm cho tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm quý II năm nay tăng mạnh. So với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.
Cụ thể, số lao động thiếu việc làm được ghi nhận là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,6%, tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đang tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý trước. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 là 2,62%, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,36%. Đáng lưu ý, số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi thất nghiệp trong quý 2 năm nay là 389,8 ngàn người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp.
Gia tăng phụ nữ làm việc phi chính thức, tự sản tự tiêu
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,44 lần (7,1 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng).
Đặc biệt, số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý II năm 2021 là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước). Số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn, trong đó, gần 2/3 số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý II năm 2021 là nữ giới (chiếm 62,8%).
Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 19,4 giờ cho công việc nông nghiệp (tương đương 2,8 giờ/ngày) và 16,6 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Lao động nữ giới tự sản tự tiêu không chỉ tham gia làm việc nhà nhiều hơn nam giới mà số giờ làm việc bình quân của họ cũng cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,6 giờ cho các công việc không được trả công, trả lương trong gia đình (con số này ở nam giới là 11,5 giờ). Điều này cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã làm nhiều lao động gặp khó khăn trong công việc và chuyển sang làm các công việc tự sản tự tiêu, nhất là nữ giới.
Những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng đang là thách thức rất lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch” của Chính phủ đề ra”.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Cụ thể, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 là 57,2%...
Gánh nặng kép lên vai phụ nữ
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới. Trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý III năm 2020.
Bà Valentina Barcucci, Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam, cho rằng, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người phụ nữ thường dễ mất việc làm hơn và nếu trường học đóng cửa thì họ lại càng có khả năng phải bỏ việc (hoặc được trả lương thấp hơn) để chăm sóc gia đình. Chưa dừng lại ở đó, khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, người phụ nữ thường có khả năng phải làm việc nhiều hơn bình thường để bù đắp thu nhập đã mất.
Ngoài ra, ở Việt Nam, phụ nữ phải dành khoảng 30 giờ mỗi tuần để làm việc nhà. Những yếu tố này cho thấy đại dịch có thể đã đặt gánh nặng kép lên vai người phụ nữ so với thời kỳ trước khủng hoảng. "Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội" - Tiến sĩ Chang-Hee Lee, nguyên Giám đốc ILO Việt Nam, nhận định.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee cho rằng, mặc dù ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động 2019 đã mở ra những cơ hội để thu hẹp khoảng cách giới, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách trong độ tuổi nghỉ hưu hay xóa bỏ việc hạn chế phụ nữ tham gia một số ngành nghề nhất định, Việt Nam vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa cần phải hoàn thành. Đó là việc thay đổi tư duy của nam giới và của cả chính phụ nữ Việt Nam để từ đó thay đổi hành vi của họ trên thị trường lao động.