pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa
Mạo danh nhân viên phòng khám mời tiêm chủng
Bà Lê Thị Lưỡng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây mấy hôm bà nhận được một cuộc điện thoại của một người xưng là Hảo, nhân viên của một phòng khám ở Hà Nội. Người này cho biết, "phòng khám đang có vaccine ngừa Covid-19 xách tay loại của Mỹ". Tuy nhiên, do chưa được cấp phép nên chỉ dám tiêm ở phòng khám cho những khách hàng thân thiết. Qua tìm hiểu danh sách khách hàng từng tới phòng khám, cơ sở đã gọi điện để "tri ân" những khách hàng cũ. Nếu tiêm, phòng khám chỉ tính giá 400.000 đồng/mũi, tiêm 2 mũi. Bà Lưỡng thấy đúng là mình từng đến phòng khám đó để khám bệnh. Tuy nhiên, về việc tiêm vaccine thì chưa biết thế nào nên bà Lưỡng trả lời phải chờ 1-2 ngày để hỏi ý kiến người nhà. Nhân viên tự xưng này tiếp tục thuyết phục bà Lưỡng rằng, hiện vaccine ngừa Covid-19 rất hiếm, nếu không quyết định nhanh sẽ để cho người khác.
Nghe thấy vậy, bà Lưỡng nghĩ chắc phòng khám không lừa mình. Thế là bà đăng ký rồi làm theo hướng dẫn chuyển tiền đặt tiêm 2 mũi với giá 800.000 đồng. Đến chiều, khi các con đi làm về, bà mới nói chuyện này. Nghe các con phân tích, bà vội gọi lại số điện thoại lúc sáng thì đã bị chặn. Bà đến phòng khám hỏi thì được trả lời, phòng khám không có ai tên Hảo. Hơn nữa, phòng khám cũng không có dịch vụ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Phòng khám khẳng định, bà đã bị lừa.
Cũng như bà Lưỡng, chị Trần Thị Huyền (28 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhận được lời mời tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ một tài khoản trên mạng xã hội. Đối tượng này cho biết, có liên hệ với một cơ sở được phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Hà Nội. Nếu chị có nhu cầu tiêm thì đăng ký, đóng tiền, đúng ngày hẹn thì đến cơ sở y tế tiêm chủng. Tuy nhiên, chị đọc báo thấy thông tin các cơ sở y tế đang tiêm cho những đối tượng ưu tiên và có danh sách đăng ký từ các cơ quan, đơn vị chứ cơ sở y tế không tự mời gọi. Thấy nghi ngờ, chị gọi lên đường dây nóng của cơ sở y tế thì được khẳng định, đơn vị không có liên kết với ai về tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiện đơn vị chỉ tiêm cho những đối tượng ưu tiên, có danh sách đã được Sở Y tế phê duyệt. Vì thế, khi chị thông tin lại với tài khoản kia thì đối tượng liền chặn tài khoản của chị.
Nhiều hình thức lừa đảo
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), hiện nay Bộ Y tế đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên. Với số vaccine ngừa Covid-19 nhập về mỗi đợt, Bộ sẽ phân phối cho các tỉnh, thành để tiêm cho đối tượng ưu tiên.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, trước diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, một số đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo người dân mua vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, các hình thức lừa đảo có thể bao gồm: Giới thiệu là nhân viên của cơ sở y tế được phép tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đi tìm người tiêm; giới thiệu có vaccine "xách tay" từ nước ngoài về; giới thiệu là nhân viên công ty nghiên cứu vaccine đi tìm thị trường... Điểm dễ nhận thấy là các đối tượng này không công khai danh tính, mời chào qua điện thoại hoặc mạng xã hội và thường yêu cầu chuyển tiền trước. "Hiện việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được chính quyền các địa phương triển khai và người tiêm được miễn phí. Do đó, khi nhận được lời mời tiêm vaccine, người dân không nên chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo; đồng thời báo lên cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý", ông Phu nói.
Theo Bộ Y tế, hiện nay xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng... Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua nhiều hình thức quảng bá.
Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Mỗi lô vaccine ngừa Covid-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành, phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh. Ngoài ra, hiện nay Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và hoàn toàn miễn phí. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Người dân chỉ đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine ngừa Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Trường hợp phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan y tế địa phương.