pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao Bằng: Duy trì bền vững các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới

Bà Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, trao giải nhất Hội thi cho “Tổ truyền thông cộng đồng” xóm Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình
PV: Xin bà cho biết một số kết quả và chuyển biến từ việc triển khai Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trên địa bàn tỉnh?
Bà Đoàn Thị Lê An: Qua quá trình triển khai và thực hiện, Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8) đã góp phần làm thay đổi đời sống cộng đồng, nâng cao vai trò của phụ nữ người dân tộc thiểu số một cách rõ rệt. Kể từ khi triển khai Dự án 8, chúng tôi đã tổ chức thực hiện kế hoạch thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng. Đối tượng tham gia các tổ không chỉ là hội viên phụ nữ mà còn có cả nam giới. Các tổ truyền thông có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ở mỗi buổi sinh hoạt của tổ truyền thông, người dân còn lồng ghép sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, giải trí, tạo sức hút với đông đảo người dân.
Đối với các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", đây là mô hình gắn bó mật thiết và trực tiếp với các cháu học sinh. Mô hình này đã đem lại nhiều hoạt động thực tiễn, giúp các cháu được tham gia tuyên truyền về những vấn đề diễn ra trong đời sống mà lứa tuổi các cháu thường gặp. Vì vậy, các cháu rất hăng hái tham gia, nhiệt tình với những nội dung chủ đề mà ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đưa ra trong mỗi buổi sinh hoạt định kỳ.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn có gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
Bà Đoàn Thị Lê An: Điều khiến chúng tôi trăn trở và liên tục thúc đẩy các cơ sở Hội thực hiện, đó là phải duy trì tính bền vững của các mô hình trong khuôn khổ Dự án 8 để làm sao các mô hình này tồn tại lâu dài, đi vào đời sống một cách bền vững. Đó mới là thành công tích cực nhất của dự án. Chẳng hạn, với mô hình câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", khi các cháu học sinh tham gia nhóm thủ lĩnh của câu lạc bộ học hết cấp, tốt nghiệp và ra trường, nếu không kịp thời bổ sung thành viên, thì câu lạc bộ sẽ bị khuyết người. Phong trào ở ngôi trường đó có thể bị đi xuống. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào và sự bền vững của Câu lạc bộ. Hay như "Tổ truyền thông cộng đồng", nếu các thành viên cốt cán không có kế hoạch tuyên truyền mới, nội dung mới, chỉ đi theo một lối mòn sẽ dẫn đến sự nhàm chán, mất tính thời sự, xa rời các vấn đề cuộc sống. Điều này ngay lập tức có thể khiến phong trào ở địa phương có thể đi xuống, thậm chí là bị bỏ bê, không hoạt động định kỳ được nữa.
PV: Theo bà, cần phải làm gì để duy trì tính bền vững của các hoạt động này?
Bà Đoàn Thị Lê An: Chúng ta phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền ở mỗi mô hình, làm sao để gắn với thực tiễn đời sống cộng đồng thì mới có sức hút đối với hội viên nói riêng và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó cần tích cực lồng ghép các hoạt động của Dự án 8 vào những chương trình khác, từ đó tạo ra sự đa dạng, phong phú, thu hút người dân nhiệt tình tham gia.
PV: Xin cảm ơn bà!