Ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, vẫn còn đó những người phụ nữ vẫn miệt mài cùng khung dệt, chỉ sợi và ký ức tổ tiên. Bà H'Kim Hoa Byă (nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk) không chỉ trăn trở với văn hóa của dân tộc M'nông R'lăm, mà còn đang từng ngày ươm mầm hy vọng qua những tấm thổ cẩm, giúp chị em phụ nữ vươn lên từ chính bản sắc mình mang theo.
Giữ "tấm áo linh hồn" của người M'nông R'lăm
Trong lời kể mềm như khói sương núi rừng, bà H'Kim Hoa Byă gọi thổ cẩm là "tấm áo linh hồn" của người M'nông R'lăm. Câu chuyện cổ tích xưa bà từng được nghe vẫn in sâu trong tâm trí: Từ thuở ban sơ, khi những người mẹ, người chị kết vỏ cây thành áo, váy, khố ấm áp; rồi đến lúc các nữ thần ban cho chị em phụ nữ cách lấy bông rừng xe chỉ, dệt vải, đó chính là lúc thổ cẩm ra đời. Không đơn thuần là trang phục, mà là tình yêu, sự bảo vệ, tinh thần của núi rừng hóa thành chỉ, thành hoa văn.
Thổ cẩm của người M'nông R'lăm là kết tinh của thiên nhiên, từ màu nhuộm bằng củ rừng, cây lá, đến hình thù được dệt như con bướm, bông hoa, cây thông, hình người thân… Từng đường kim, mũi chỉ là một câu chuyện, một lớp văn hóa đang lặng thầm tồn tại qua đôi tay người phụ nữ.
Chính điều đó khiến bà Hoa trăn trở: Làm sao để bảo tồn được nghề dệt - không chỉ như một ký ức, mà phải sống được, phát triển được trong đời sống hiện đại? Làm sao để thổ cẩm không chỉ được lưu giữ trong bảo tàng hay lễ hội, mà trở thành sinh kế, là niềm tự hào đi ra thế giới?
Từ suy nghĩ ấy, bà tìm hướng đi riêng: Kết hợp gìn giữ bản sắc với cải tiến chất liệu. Bà thử đưa sợi tơ tằm, sợi tre - những chất liệu thân thiện, mát mùa hè, ấm mùa đông thay cho chỉ len, sợi thiên long. Sợi mới trên những hoa văn cũ, từng mẫu khăn, áo, túi, cà vạt... vẫn mang đậm dấu ấn M'nông R'lăm, chỉ khác là mềm hơn, bền hơn, dễ ứng dụng hơn.
Sợi mới trên những hoa văn cũ, từng mẫu khăn, áo, túi, cà vạt... vẫn mang đậm dấu ấn M'nông R'lăm, chỉ khác là mềm hơn, bền hơn, dễ ứng dụng hơn
Tuy nhiên, trong hành trình gìn giữ văn hóa, bà Hoa hiểu rõ: Nếu chỉ giữ nghề như một hoài niệm thì sớm muộn gì cũng mai một. Bởi người phụ nữ hôm nay không chỉ cần tình yêu nghề, mà còn cần thu nhập để sống, để nuôi gia đình, để tiếp tục dệt tiếp ước mơ. Muốn giữ nghề, phải song hành với làm kinh tế. Chỉ khi thấy được hiệu quả kinh tế từ từng tấm khăn, chiếc váy, từ bàn tay mình làm ra, chị em mới thực sự gắn bó lâu dài. Thổ cẩm - vì thế - không thể đứng yên giữa bảo tàng, mà phải được khoác lên mình đời sống: Có thị trường, có người mặc, có thu nhập. Đó là cách duy nhất để giữ đam mê bền vững.
Thổ cẩm không chỉ là nghề, mà là cơ hội làm kinh tế
Không lựa chọn thành lập hợp tác xã, bà Hoa chỉ âm thầm đăng ký hộ kinh doanh và bắt tay hỗ trợ bốn nhóm dệt, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số tại buôn Lê. Bà không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, mà còn truyền đi niềm tin rằng: Thổ cẩm có thể trở thành nguồn thu nhập thực sự nếu biết đầu tư, gìn giữ và đổi mới.
Huyện Lắk trước đây từng là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm M’nông
Khó khăn thì nhiều: Từ cách chỉnh sợi sao cho đều, dệt lên đẹp, đến khâu kết hợp màu sao cho hài hòa, tinh tế và cả giá thành cao khi sử dụng nguyên liệu mới. Thế nhưng, điều khiến bà trăn trở nhất vẫn là thị trường: Làm sao để thổ cẩm không chỉ bán được trong vài dịp lễ, mà có đầu ra ổn định, đi sâu vào đời sống?
Từ mô hình nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết của bà Hoa, niềm vui đã lan tỏa đến nhiều chị em phụ nữ tại buôn làng
Bà Hoa tin rằng, nếu cấp ủy, chính quyền địa phương đồng hành, nếu thổ cẩm được đưa vào các tour du lịch cộng đồng, được kết nối với các điểm trải nghiệm tại buôn Lê, buôn Jun, được quảng bá đúng cách thì người dân không chỉ giữ được nghề tổ, mà còn sống được bằng văn hóa của chính mình.
Bà Hoa tin rằng: Thổ cẩm có thể trở thành nguồn thu nhập thực sự nếu biết đầu tư, gìn giữ và đổi mới
"Thổ cẩm không chỉ là thời trang. Đó là nghệ thuật. Và là chứng tích sống cho bản sắc dân tộc", bà nói.
"Các bạn trẻ hôm nay hãy trân trọng và bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình Bởi thổ cẩm chính là bản sắc, là lời kể không cần ngôn ngữ, của mỗi dân tộc Việt Nam", bà trân trọng.
Trong ánh mắt của bà là niềm tin rằng một ngày không xa, những tấm váy, chiếc khăn thổ cẩm do bàn tay phụ nữ M'nông dệt nên sẽ xuất hiện trên các sàn diễn, trong cuộc sống thường ngày, như một phần tự nhiên của vẻ đẹp Việt Nam hiện đại. Một niềm tin không cần tô vẽ. Vì nó đã được dệt bằng cả trái tim.
Từ mô hình nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết của bà Hoa, niềm vui đã lan tỏa đến nhiều chị em phụ nữ tại buôn làng. Họ không chỉ hạnh phúc vì có thêm thu nhập để lo cho gia đình, mà còn tự hào khi được chính tay truyền lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ sau.
Chính từ trong công việc hằng ngày, mỗi người phụ nữ đều đang góp phần gìn giữ một phần linh hồn dân tộc
Niềm vui ấy không ồn ào, nhưng sâu lắng, như khi một người mẹ dạy con gái luồn từng sợi chỉ đầu tiên qua khung cửi. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng giữ nghề cũng là giữ lấy cội rễ. Và chính từ trong công việc hằng ngày, mỗi người phụ nữ đều đang góp phần gìn giữ một phần linh hồn dân tộc.
Thực hiện: An Khê
13/05/2025 15:21