pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cặp vợ chồng có con sau 23 năm chạy chữa vô sinh và lời khuyên của chuyên gia
Niềm vui của sản phụ Minh Phượng khi đón con yêu chào đời
6 lần chọc trứng, 8 lần chuyển phôi
Mới đây, việc sản phụ Nguyễn Thị Minh Phượng (46 tuổi, trú tại Hải Phòng) chào đón thiên thần bé bỏng sau 23 năm chạy chữa vô sinh, hiếm muộn đã khiến các y bác sĩ BV Phụ sản Hải Phòng rất cảm động. Đồng thời, khâm phục nghị lực phi thường của sản phụ và sự ủng hộ của những người thân trong gia đình. Đặc biệt, trong quãng thời gian 23 năm ấy, sản phụ đã trải qua 4 lần phẫu thuật (u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, mổ kẹp vòi trứng…) và 6 lần chọc trứng, 8 lần chuyển phôi.
Gia đình cho biết, sau hơn 2 năm kết hôn và chung sống với anh Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1971), dù không áp dụng biện pháp tránh thai nào, song chị Phượng vẫn không có thai. Quãng thời gian sau đó, anh chị bắt đầu đi khám chữa hiếm muộn, vô sinh.
Trong 23 năm, vợ chồng họ đã trải qua các Trung tâm hiếm muộn, từ Hải Phòng, Hà Nội, đến các BV tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài Tây y, anh chị còn kết hợp cả Đông y, hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay gia đình lại tìm đến.
"Tôi đã trải qua 5 lần chọc trứng, 7 lần chuyển phôi tại các BV lớn về sản phụ khoa nhưng đều thất bại. Đã có lúc, tôi định buông xuôi bởi những đau đớn về thể xác, mệt mỏi về tinh thần, áp lực về tâm lý, khó khăn về kinh tế", chị Phượng chia sẻ.
Hiểu được nỗi lòng của vợ, anh Tuấn luôn động viên, chia sẻ. Ngoài ra, vợ chồng chị cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các y, bác sĩ tại các BV mà 2 vợ chồng chị từng thăm khám.
Năm 2017, vợ chồng chị Phương đến BV Phụ sản Hải Phòng thăm khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã tiến hành chọc trứng. Tuy nhiên, do tuổi chị đã nhiều và ảnh hưởng 5 lần kích chọc trứng trước đó, các bác sĩ chỉ chọc được 1 trứng, Với 1 phôi duy nhất, chất lượng trung bình khiến vợ chồng chị hết sức lo lắng, đắn đo, cân nhắc.
Là người trực tiếp khám, điều trị, chọc trứng, tạo phôi, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng, hiểu rất rõ về thể trạng sức khỏe cũng như tâm lý của vợ chồng sản phụ. BS. Vũ Văn Tâm đã tư vấn cho vợ chồng chị Phượng tạm thời trữ phôi, tiếp tục điều trị, ổn định sức khỏe, tâm lý… đến thời điểm tốt nhất sẽ chuyển phôi. Vợ chồng chị đồng ý.
Đến tháng 1/2022, sau khám đánh giá toàn trạng bệnh nhân đạt điểm tốt nhất (với thực trạng của sản phụ), BS. Vũ Văn Tâm quyết định thực hiện chuyển phôi. Và niềm vui đã đến, xét nghiệm sau đó cho kết quả chị Phượng đã đậu thai.
"Kết quả có thai sau chuyển phôi là niềm vui, hạnh phúc vô bờ đối với chúng tôi. Nhưng hành trình theo dõi và nuôi dưỡng phôi thai sau đó cũng là cả một quá vất vả với những lo âu. Với sự hỗ trợ của các y bác sĩ, sự động viên của gia đình, đặc biệt nghĩ tới đứa con yêu mà vợ chồng bao năm ngóng đợi, tôi đã vượt qua mọi khó khăn", chị Phương chia sẻ.
Sáng ngày 22/9 vừa qua, chị đã sinh một bé gái nặng 3kg khỏe mạnh trong niềm vui của các bác sĩ và gia đình. Sau sinh, sức khỏe mẹ con sản phụ ổn định và được xuất viện ngày 28/9.
Cả nước có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) những người trong độ tuổi sinh đẻ có quan hệ tình dục thường xuyên (2 - 3 lần/tuần) không sử dụng biện pháp tránh thai mà không thụ thai trong vòng 12 tháng được gọi là vô sinh. Trên thế giới, tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng từ 6% đến 12%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh cũng thuộc dạng cao. Một nghiên cứu do BV Phụ sản TƯ và Đại học Y Hà Nội tiến hành năm 2015 trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49) ở 8 tỉnh thành đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta, cho thấy tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Ước tính hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, vô sinh nguyên phát là 3,9%, vô sinh thứ phát là 3,8%. Đặc biệt, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.
Bác sĩ Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở cả nam và nữ giới. Cụ thể, cả nam và nữ đều chịu ảnh hưởng của tính di truyền. Do đó, nếu nam hoặc nữ giới trong gia đình có tiền sử bất thường di truyền đều có nguy cơ bị vô sinh.
Ngoài di truyền, đối với nam giới, nguyên nhân gây vô sinh nam là do yếu tố môi trường. Ngay cả khi khỏe mạnh và có lối sống lành mạnh, khả năng sinh sản của nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm các độc tố như chì và thuốc trừ sâu, tiếp xúc với bức xạ, thiết bị điện tử khiến tinh trùng giảm dần.
Với phụ nữ, những người bị tổn thương vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, rối loạn rụng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc các khối u buồng trứng. Ngoài ra, những người nạo phá thai nhiều lần, không biết giữ vệ sinh đều có nguy cơ vô sinh cao. Hiện nay, viêm nhiễm đường tình dục ngày càng nhiều và khó điều trị. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện với tỷ lệ cao hơn trong cộng đồng, như: Giang mai, bệnh lậu, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục… dẫn đến tắc vòi trứng, giảm chất lượng tinh trùng, rối loạn khả năng sinh sản. Vô sinh do tắc vòi trứng hiện chiếm tới 75%.
Theo bác sĩ Hùng, khi bị vô sinh, nam giới có các biểu hiện như khó đạt cảm giác "cực khoái"; khó duy trì sự cương cứng khi giao hợp; Sưng, đau, khối u trong tinh hoàn. Nam giới nếu thấy lượng tinh dịch xuất ra ít và trông như nước vo gạo hoặc màu vàng, có máu, đặc quánh thì đây là hiện tượng bất thường, nên đi thăm khám sớm. Vô sinh nam còn có thể phát hiện sớm bằng các dấu hiệu bất thường như tiểu buốt, tiểu nhiều, tức nặng bìu khi tiểu…
Đối với nữ giới sẽ có biểu hiện vô kinh, chu kì kinh nguyệt không đều và đây có thể là triệu chứng của viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng; khí hư bất thường. Ngoài ra, nữ giới sẽ có những cơn đau bụng có thể do viêm vùng chậu, viêm loét cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư tử cung, buồng trứng gây ra.
"Nếu quan hệ tình dục thường xuyên trong 1 năm mà chưa có thai, vợ chồng nên đi khám sớm để biết nguyên nhân chậm con là do ai, vì sao. Mọi người nên tới các BV, cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa, có uy tín để được thăm khám tốt nhất", bác sĩ Hùng chia sẻ.