pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cây đổ, trẻ hiếu động và bản lĩnh của người lớn
Sau vụ việc cây phượng già trong sân trường đổ khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em bị thương, dư luận lên tiếng đặt câu hỏi về sự an toàn của học sinh cùng với lời nhận trách nhiệm của Hiệu trường trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) thì ngay ngày hôm sau, những thân cây cổ thụ ở trường học trên cả nước nối nhau ngã xuống.
Về nguyên tắc chặt cây phải có khảo sát, đánh giá trước khi quyết định đốn hạ cây xanh ở nơi công cộng. Chỉ đốn hạ những cây đã già, mục gốc. Nhưng thực tế, câu chuyện lại khác. Hai chữ trách nhiệm tưởng chừng nặng ngàn cân khó có người nào gánh chịu. Để được bổ nhiệm chức hiệu trưởng, rất nhiều người phải phấn đấu nhọc nhằn trong cả một quá trình. Đúng lúc khổ tận cam lai, nếu chẳng may "tai bay vạ gió" một trận cuồng phong khiến cái cây đổ xuống thì bao công sức đổ sông đổ biển.
Vậy là giết nhầm hơn bỏ sót, người ta thẳng tay đốn hạ cây không thương tiếc bởi xét cho cùng cây cũng chẳng thể lên tiếng kêu oan. Còn chuyện cây xanh bảo vệ môi trường cũng chẳng quan trọng. Chuyện hình ảnh hoa phượng sân trường gắn với tuổi học trò, đáng tiếc, các vị hiệu trưởng hầu hết đã xa cái thời ấy cả chục năm rồi và với họ nó chẳng còn là mối bận tâm nữa.
Sau khi dư luận lại được một phen lên tiếng cảnh báo rồi báo động, phong trào chặt cây có vẻ đã chững lại thì bỗng đâu lại một trận cuồng phong nổi lên và lần này lại quật đổ một cây phượng ở Đồng Nai. May mắn 3 học sinh chỉ bị xây xát nhưng nó thêm một lần nữa củng cố quyết tâm cho những vị quản lý trường học tiếp tục nối dài "án tử" cho những cây cổ thụ dưới quyền mình bất chấp những hình thức bảo tồn bằng khung sắt được những người yêu cây đưa lên mạng xã hội để khuyến khích bảo tồn cây.
Rất nhiều người có trách nhiệm đã lo xa, lẩn tránh trách nhiệm bằng một sự nhiệt tính quá mức cần thiết. Nhưng đáng tiếc sự nhiệt tình đó đang gây hại.
Khi câu chuyện chặt cây còn chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại được một phen hoảng hồn về chuyện bé trai có hành động bất thường trong giờ ngủ trưa ở lớp mầm non tại Hải Phòng.
Thực chất chỉ là câu chuyện khá "hồn nhiên" của những đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi hiếu động nhưng chỉ sau một đêm nó lập tức trở thành một chuyện động trời. Nó được những trang mạng xã hội "trang trọng" đăng tải đầy đủ và nếu như hình ảnh chưa đủ độ nét thì người ta còn cẩn thận dùng photoshop để "khoanh vùng" hai đứa trẻ cho người khác tiện theo dõi.
Rồi một làn sóng những chuyên gia tư vấn vào cuộc. Họ nhanh chóng đẩy sự việc lên một "tầm cao" mới và quay trở lại chỉ trích chính những bậc phụ huynh. Từ một hành động vô thức của một đứa trẻ người ta suy đoán ra cả những "cảnh nóng" mà người lớn đã từng diễn và thiếu thận trọng để con em mình mục sở thị.
Tiếp cao trào đó, các nhà quản lý địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, thậm chí còn huy động cả công an. Và rất kịp thời, án phạt được đưa ra với hai cô giáo bằng hình thức xử lý nặng nhất có thể trong kỷ luật lao động: Buộc thôi việc.
Nhưng dường như sau cơn cao trào người ta mới nhận ra rằng có cần thiết phải làm ầm ĩ lên đến thế hay không khi đó chỉ là câu chuyện của đứa trẻ hoàn toàn hồn nhiên và tất nhiên trong sáng. Dẫu sao cũng vẫn còn may mắn nếu hai đứa trẻ đều là nam hay đều là nữ thì biết đâu những người lớn còn lái câu chuyện này liên quan đến cộng đồng LGLT nữa cũng nên.
Cùng với sự việt vị của rất nhiều người, rõ ràng câu chuyện đã cho thấy một căn bệnh phổ biến: gán gép và áp đặt sự việc theo quan điểm riêng của mình. Nhiều người đã bắt đứa trẻ mầm non đó phải đủ lớn để họ suy diễn và đánh giá câu chuyện theo chiều hướng dung tục, nghiêm trọng đúng kiểu người lớn.
Bên cạnh đó các nhà quản lý ở địa phương cũng đã quá nhạy cảm với sự phản ứng từ dư luận, nhất là cư dân mạng để rồi nhìn nhận sự việc cũng nghiêm trọng quá mức cần thiết.
Chặt cây và phán xử hành động vô thức của đứa trẻ mẫu giáo, dường như chính người lớn đã cho thấy họ không có một bản lĩnh cần thiết để giáo dục, giúp những đứa trẻ có thể hình thành nhân cách một cách bình thường...