pnvnonline@phunuvietnam.vn
CDC Hoa Kỳ và USAID cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19
Việt Nam đẩy mạnh tiêm chủng để chống dịch Covid-19
Ngày 4/8, Bộ Y tế cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có buổi làm việc với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ về công tác chống dịch Covid-19
Tại buổi làm việc với USAID, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đã viện trợ cho Việt Nam trang thiết bị, ngân sách phòng chống dịch và hơn 5 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với khả năng lây lan nhanh và mạnh của biến thể Delta, Việt Nam rất cần thêm nguồn cung ứng vaccine.
Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý IV/2021 thì 47 triệu liều vaccine Pfizer mới về Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng đề nghị USAID tiếp tục vận động với Chính phủ Hoa Kỳ để Việt Nam sớm nhận được thêm vaccine viện trợ của Hoa Kỳ ngay trong tháng 8, 9. Bởi đây là vấn đề ưu tiên giúp ứng phó tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn vaccine tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam đủ năng lực sản xuất oxy y tế đáp ứng nhu cầu điều trị, tuy nhiên các cơ sở sản xuất đang rất thiếu bồn chứa oxy, các loại bình đựng và thiết bị phụ trợ. Do đó, Bộ trưởng đề nghị phía USAID hỗ trợ bồn chứa oxy và các thiết bị phụ trợ này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề xuất USAID tiếp tục vận động Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam máy thở chức năng cao để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, kịch và hỗ trợ thêm tủ cấp đông âm sâu (-75 độ C) để bảo quản vaccine.
Đại diện USAID đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và Bộ Y tế Việt Nam trong thời gian qua. Chính phủ Hoa Kỳ đã hoàn tất hợp đồng với công ty Pfizer và cam kết hỗ trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer để thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng vaccine trên toàn cầu. Đại diện USAID sẽ cố gắng vận động để Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên viện trợ vaccine Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam khoản kinh phí 4,5 triệu USD nhằm hỗ trợ thực hiện tiêm chủng vaccine và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch Covid-19.
Đại diện USAID cũng cho biết, đầu tháng 9/2021, dự kiến 77 tủ cấp đông âm sâu sẽ đến Việt Nam. Đây là số tủ cấp đông âm sâu được Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2021 thông báo viện trợ.
Đối với các đề nghị của Việt Nam, đại diện USAID ghi nhận các đề nghị từ phía Việt Nam và sẽ tiếp tục trao đổi với các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế để tổng hợp nhu cầu và xem xét viện trợ trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc làm việc với Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng Hoa Kỳ đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 và sớm đạt được số lượng người tiêm cao. Bộ trưởng tin tưởng đây sẽ là lá chắn hiệu quả của Hoa Kỳ với đại dịch Covid-19.
Đối với dịch Covid-19 ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng rất khiến dịch khó kiểm soát và kéo dài. Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp để giảm ca mắc mới, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn CDC Hoa Kỳ sẽ có tác động với chính phủ Hoa Kỳ để ưu tiên cho Việt Nam sớm tiếp cận thêm vaccine ngừa Covid-19. Hơn nữa, với sự gia tăng số ca mắc gây áp lực lớn với hệ thống y tế, khiến hệ thống hồi sức tích cực trở nên quá tải, Bộ Y tế mong muốn phía CDC Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam vấn đề về máy thở và các trang thiết bị để điều trị tích cực cho các bệnh nhân nặng.
Đánh giá tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam trong thời gian gần đây tăng nhanh, đại diện CDC Hoa Kỳ cho biết đây là cơ sở quan trọng để cơ quan này thúc đẩy, vận động các tổ chức khác giúp Việt Nam có thêm vaccine. Đồng thời, khi vaccine về Việt Nam sẽ được sử dụng nhanh chóng, hiệu quả. Đại diện CDC Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế trong trao đổi kỹ thuật, chia sẻ thông tin kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch.