pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ bé gái song sinh dính liền bật khóc sau khi ca đại phẫu kết thúc thành công
2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được phẫu thuật tách dính thành công
Vào lúc 18h40, cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được đưa ra khỏi phòng mổ sau khi các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng, khâu vết mổ, bó bột cho 2 bé.
18h chiều nay, Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, cho biết kết quả bước đầu của ca đại phẫu rất tốt. BS Trương Quang Định đã gặp mặt, giải thích diễn tiến, kết quả sơ bộ cuộc phẫu thuật cho cha mẹ của "song Nhi".
Ngay sau khi biết tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, để chúc mừng kíp mổ của Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM và nhiều phẫu thuật viên ngoại viện đã phát huy trí tuệ, trình độ chuyên môn để thực hiện ca mổ thành công. Qua Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng cũng chúc mừng gia đình và mong 2 cháu sớm bình phục. Thủ tướng đã gửi tặng 20 triệu đồng thăm sức khoẻ 2 cháu.
Trước đó, vào lúc 15h chiều nay, bước ra từ phòng mổ, Giáo sư Trần Đông A đã vui mừng cho báo giới biết, ca mổ và sự hồi phục sức khỏe của Trúc Nhi - Diệu Nhi diễn ra rất khả quan. Giáo sư Trần Đông A là 1 trong số 9 bác sĩ ngoại viện chủ chốt được mời tham vấn cho kíp mổ. Ở tuổi 79, Giáo sư đã kinh qua rất nhiều lần vị trí chỉ huy và tham vấn cho các ca đại phẫu tách rời song sinh dính liền tại Việt Nam.
"Khó khăn nhất là 2 bé dính liền vùng bụng chậu với 4 chân, xương mu bị hở, các xương chậu xếp vòng tròn làm đảo lộn vị trí đúng của nội tạng. Tuy nhiên, ca mổ thuận lợi vì trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến được áp dụng. Các buổi hội chẩn kỹ lưỡng từng đường đi nước bước", Giáo sư Trần Đông A khẳng định. Ông cũng nói nếu đóng được xương mu, khép xương chậu tốt, thì các cơ quan nội tạng sẽ vào đúng vị trí, Trúc Nhi và Diệu Nhi sẽ đứng dậy và đi lại được.
Trao đổi với báo chí sáng nay, Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, cho biết: "Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho 2 bé cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua rất nhiều lần hội chẩn, để ngày hôm nay, chúng tôi đi tới quyết định thực hiện công việc này. Đây là trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn. Xin hãy cầu chúc cho đội ngũ gần 100 người chúng tôi vượt qua cuộc đọ sức trí tuệ này".
Đúng 9h sáng, đường dao mổ đầu tiên được thực hiện. 93 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nội viện và ngoại viện, được chia thành 11 êkip tham gia ca đại phẫu. Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định có vai trò là chỉ huy trưởng. Ông cũng là trưởng nhóm phẫu thuật tái tạo các cơ quan cho bé Diệu Nhi. Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, chịu trách nhiệm chính phần phẫu thuật đối với Trúc Nhi.
Ở thời khắc tách rời thành công Trúc Nhi và Diệu Nhi vào lúc 14h08 chiều nay, các phẫu thuật viên thể hiện sự vui mừng và niềm xúc động rưng rưng. Các tay dao hàng đầu của TPHCM đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trường Đại học Y Dược TPHCM... đã cùng dừng lại vài giây chụp hình, ghi lại khoảnh khắc lịch sử của ca đại phẫu thành công hiếm có trong y văn thế giới và Việt Nam.
Trúc Nhi - Diệu Nhi, sinh ngày 7/6/2019, ngụ tại Q.9, TPHCM. Hai bé chào đời lúc 33 tuần thai, tại Bệnh viện Hùng Vương, cân nặng 3,2 kg. Sau sinh, "song Nhi" được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM để điều trị các bệnh lý do sinh non, nhẹ cân. Các bác sĩ xác định "song Nhi" gặp nhiều bất thường tại vùng bụng chung.
Về tiêu hóa, các bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu, các bé có 2 bàng quang nằm 2 bên ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ cơ thể cả 2 đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. "Song Nhi" còn bị hở khớp mu, khung chậu xếp thành 1 vòng tròn.
Các chuyên gia y tế cho biết, Trúc Nhi, Diệu Nhi là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu Ischiopagus Tetrapus (Quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống và cũng chỉ có 6% dính nhau kiểu Ischiopagus Tetrapus.