Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn thay vì áp đặt

Nhật Lam (thực hiện)
19/12/2021 - 11:20
Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn thay vì áp đặt

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa trong nhà trường cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống và tiếp cận các phương pháp hiện đại. Thay vì áp đặt, cần tôn trọng trẻ. Thay vì truyền thụ kiến thức một cách thụ động, hãy để trẻ nói lên tiếng nói của mình.

- Ông đánh giá như thế nào về những giá trị văn hóa trong môi trường học đường hiện nay?

Tôi cho rằng đó vẫn là giá trị văn hóa "không thầy đố mày làm nên", là "tôn sư trọng đạo". Vai trò của người thầy vì thế vẫn rất quan trọng bên cạnh các lễ nghi văn hóa trong nhà trường. Học sinh phải tôn trọng thầy, cô giáo và thầy, cô giáo phải thương yêu học sinh với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu". Những giá trị văn hóa này ở nhà trường đã được đúc kết nhiều năm và vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến bây giờ.

- Những giá trị này có sự thay đổi như thế nào khi cuộc sống ngày càng mở hơn, khi mà học sinh không hẳn là răm rắp nghe lời mà còn làm bạn với thầy cô?

Với cuộc sống hiện đại, mối quan hệ này ít nhiều có sự thay đổi. Các giá trị truyền thống vẫn tồn tại nhưng trong thời đại mới, dân chủ trong nhà trường được đề cao thì chắc chắn thầy, cô giáo cần tôn trọng các em, ngược lại học sinh cũng cần thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình.

Hai bên có sự liên kết chặt chẽ, đảm bảo dân chủ trong nhà trường, đây chính là mối quan hệ ở một chiều cạnh mới. Bởi có dân chủ thì thầy cô mới hiểu học sinh hơn để dạy học tốt hơn. Còn với học sinh, thực hiện dân chủ có chừng mực, trên cơ sở tôn trọng thầy, cô giáo để từ đó thể hiện được khả năng tư duy của mình. Theo tôi, đây chính là văn hóa mới trong nhà trường chứ không còn là nhất nhất "thầy nói trò nghe" như ngày xưa nữa.

“Thầy cô hãy biết lắng nghe học sinh để sửa mình” - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Thầy nói để học sinh suy nghĩ, nếu đúng thì tiếp thu nhưng nếu không đúng, các em có thể bày tỏ quan điểm một cách có chừng mực. Đó phải là sự tôn trọng, còn nếu không tôn trọng thầy cô thì không còn là văn hóa trong nhà trường nữa. Trẻ con bây giờ thông minh lắm, rất nhạy bén! Nhiều em thông qua mạng xã hội biết kiến thức mới để cập nhật rồi phản biện. Các em có nhiều nguồn thông tin, nguồn kiến thức nên tư duy rất mở, phong phú hơn. Bản thân người thầy vì thế không thể cho rằng mình biết hết tất cả. Thầy cô hãy biết lắng nghe học sinh để sửa mình, điều này khác hẳn ngày xưa.

- Trong môi trường gia đình hiện đại, theo ông có sự thay đổi như thế nào trong cách thức nuôi dạy con của các bậc phụ huynh?

Điều này so với trước, rõ ràng khác rất nhiều. Đơn cử như việc trẻ em bây giờ tiếp xúc nhiều với công nghệ, lạm dụng công nghệ, gây nhiều hệ lụy tiêu cực nếu cha mẹ không kịp thời quan tâm, sát sao điều chỉnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong xây dựng giá trị văn hóa gia đình mà xuất phát từ việc xây dựng yếu tố con người, theo tôi là cha mẹ cần dành thời gian cho con nhiều hơn, cần cân đối giữa công việc và thời gian dành cho các con, không nên bỏ mặc con.

Ngày xưa, cha mẹ có thể không chú ý thì mức độ ảnh hưởng cũng chưa đến mức báo động nhưng với thời đại công nghệ số này nếu không quan tâm giáo dục con đúng mức thì một ngày nào đó chính công nghệ sẽ hại con của chúng ta, gây nhiều hệ lụy đáng tiếc.

- Vậy theo ông, vai trò của bố mẹ trong việc xây dựng nền tảng văn hóa cho các con là gì?

Tôi vẫn nhấn mạnh rằng, văn hóa trong gia đình phải có sự cân đối: Cha mẹ phải chăm lo cho con, không nên quá say sưa với công việc mà bỏ mặc con. Tuy vậy, việc uốn nắn một đứa trẻ không đơn giản với cha mẹ trong thời hiện đại. Dạy con bằng đòn roi e rằng không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, điều này thực ra không đúng hoàn toàn. Đối với trẻ em, cha mẹ cần hiểu khi nào cần dùng đến roi vọt. Vấn đề là nhiều người không hiểu nên đánh vào đâu mà thường đánh con theo cảm tính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của con.

Tôi vẫn khuyên là không nên đánh con, gây tổn thương đến con. Thay vào đó có thể giải thích cho con hiểu, cần kết hợp nhiều phương pháp một cách linh hoạt để uốn nắn con. Cùng với đó là sự tôn trọng con. Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn để hiểu con thay vì áp đặt. Vai trò của người cha, người mẹ vì thế ngày càng khó hơn, dụng công hơn trong cuộc sống hiện đại. Cha mẹ phải chủ động điều chỉnh, không bỏ mặc cũng không quá chiều chuộng, cân đối trong vấn đề dạy dỗ và quan trọng nhất là phải dành thời gian cho con một cách có chất lượng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm