Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khi trao đổi với PNVN.
Trước đó, vụ gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia năm học 2017- 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La,… đã bước vào giai đoạn cuối khi một loạt cán bộ liên quan đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa công khai danh tính phụ huynh và những thí sinh liên quan vì “nhạy cảm”.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong nội quy, quy chế của các trường Đại học, Cao đẳng thì khi học sinh, sinh viên vi phạm quy chế thi cử sẽ bị buộc thôi học. Còn việc có công khai danh tính hoặc công bố trên Website của trường thì chưa có quy định cụ thể. Vì thế, có trường thì công bố những thí sinh vi phạm kỷ luật trên website nhưng cũng có trường không đưa thông tin.
Trong vụ án sửa điểm ở một số tỉnh phía Bắc, hiện một số cán bộ liên quan đến kỳ thi đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Những phụ huynh nhờ sửa điểm và thí sinh được sửa điểm là người liên quan.
Là những người liên quan nên trong kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện Kiểm sát phải thể hiện rõ tên những phụ huynh đã nhờ sửa điểm, thí sinh nào đã được nhờ sửa điểm để chứng minh là có thật. Kết luận và cáo trạng cũng thể hiện rõ việc sửa điểm diễn ra như thế nào, thí sinh được nâng những môn gì, nâng bao nhiêu điểm, thi đỗ trường nào. “Nếu không có danh tính phụ huynh và thí sinh thì các cán bộ kia nâng cho ai”, luật sư Thơm đặt câu hỏi. Việc phải công khai danh tính các phụ huynh cũng như thí sinh được nâng điểm mới có thể chứng mình một cách thuyết phục các cán bộ này phạm tội.
Cũng theo luật sư Thơm, kết luận điều tra, cáo trạng và phiên tòa là xét xử công khai. Vì thế, chắc chắn danh tính những người liên quan phải công khai. Vấn đề là thời điểm công khai, còn hiện giờ vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai, giảng viên Đại học Công Đoàn cho rằng, trong vụ việc này chắc chắn các thí sinh cũng biết mình được nâng điểm. Bởi sau khi làm bài, các thí sinh so sánh với đáp án là có thể biết mình được bao nhiêu điểm. Không thể nói làm sai mà điểm lại 9 hoặc 10 được. Kể cả người chấm có “nới tay” cũng chỉ chênh từ 1-2 điểm, chứ không thể chênh đến 7-8 điểm. Đó là chưa kể, làm bài không tốt mà cả 3 môn lại cùng được điểm cao chót vót thì dù là ai cũng phải đặt câu hỏi.
Về việc công khai danh tính, bà Mai cho rằng cần phải công khai để làm gương cho những người khác. Nhất là kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018-2019 đang tới gần.