Chậm xử lý sai phạm trong thị trường chứng khoán gây hiệu ứng xấu, mất niềm tin nhà đầu tư

PVH
08/06/2022 - 16:30
Chậm xử lý sai phạm trong thị trường chứng khoán gây hiệu ứng xấu, mất niềm tin nhà đầu tư

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Phát biểu tại phiên chất vấn chiều 8/6 nhóm vấn đề lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm trong thị trường chứng khoán, trái phiếu chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nhiều chính sách tài chính đều có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nên việc lựa chọn lĩnh vực này để chất vấn tại kỳ họp đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và dịch Covid-19, thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành trong thẩm quyền hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi.

Trong đó, thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao, các cân đối lớn được bảo đảm; kiểm soát được lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách trong mức cho phép. Đặc biệt là việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua mọi khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và triển khai giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa.

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số bất cập, hạn chế: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm thi hành.

Chậm xử lý sai phạm trong thị trường chứng khoán gây hiệu ứng xấu, mất niềm tin nhà đầu tư - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ: Áp lực lạm phát trong trung hạn lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, than, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, có hiện tượng đầu cơ găm giá, tăng giá bất hợp lý...

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro còn lớn.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022. Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới.

Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm