Chất lượng là chìa khóa để mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt

02/07/2019 - 16:54
Sở hữu nhiều mặt hàng đạt chất lượng hàng đầu thế giới nhưng cánh cửa xuất khẩu của nông sản Việt vẫn chưa mở rộng như kỳ vọng. Nông sản Việt cần phải làm gì và các doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh như thế nào là vấn đề được đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp thảo luận tại Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
Sáng 2/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
 
nong-san-viet-1.jpg
Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức

 

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP….
 
Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp vẫn đang gặp phải những rào cản về kỹ thuật, chế biến, kênh tiêu thụ, liên kết chuỗi, thông tin về các thị trường tiềm năng… Bài toán được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa… vẫn luôn lặp lại hàng năm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
 
Chất lượng là chìa khóa để mở rộng thị trường của nông sản Việt
 
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.
 
nong-san-2.jpg
Hiệp định CPTPP đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam

 

Tham gia Hiệp định CPTPP, nông sản Việt Nam sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan ưu đãi, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới. Nhiều thị trường lớn như Canada, Australia, Nhật Bản… giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản của Việt Nam, tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Để giữ vị trí ưu thế, hàng hóa nông sản của Việt Nam không chỉ phải nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, mà còn phải đối diện với sức ép cạnh tranh ngay tại “sân nhà” đến từ việc hàng hóa các nước CPTPP tràn vào thị trường trong nước.
 
Hơn bao giờ hết, nông sản Việt cần phải tập trung vào chất lượng. Nhưng theo các chuyên gia tham dự Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”, chất lượng đang là rào cản để mở rộng thị trường nông sản Việt.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam vẫn đang đánh giá hàng nông sản bằng cảm quan mà chưa quan tâm đâu là nơi sản xuất ra sản phẩm, nên rất nhiều người nông dân nghĩ rằng nông sản bán được ở trong nước thì sẽ bán được ở quốc tế. Nhưng thực tế, thế giới họ muốn biết quy trình sản xuất cụ thể như thế nào; ban hành các quy định bảo hành sản phẩm như thế nào…
 
Không chỉ đầu tư vào chất lượng, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, còn một vấn đề của nông sản Việt chưa đề cập tới, đó là phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trong nông nghiệp và nông thôn, để thúc đẩy xuất khẩu, bởi muốn xuất khẩu mà cứ đi theo con đường truyền thống thì sẽ rất xa so với xu hướng hiện nay. Điều này thấy rõ hơn khi nhìn vào bức tranh xuất khẩu, có thể thấy xuất khẩu sang châu Âu cần phải có kết nối qua thương mại điện tử, phải kết nối thành 1 chuỗi giá trị và bảo đảm chất lượng ổn định và giám sát được. Vị chuyên gia kinh tế này còn đưa ra các giải pháp như lắp camera để đối tác các nước như biết được quy trình sản xuất ra sao, sản xuất như thế nào… Đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội đưa được nông sản ra thị trường nước ngoài.
 
nong-san.jpg

 

Để nâng cao chất lượng nông sản Việt, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn.
“Chúng tôi đã làm được điều đó với quả dừa, chúng tôi có thể cung cấp dừa quanh năm. Thanh long Việt rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu. Việt Nam cũng cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài”, ông Hong Sun nhấn mạnh.
 
Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP
 
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
nong-san-viet.jpg
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới

 

Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất nông sản cần xem xét một số giải pháp sau:
 
- Chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
 
- Thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
 
- Chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm