Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mỡ máu cao

Hoàng Duy
14/11/2021 - 19:33
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mỡ máu cao

Ảnh minh họa

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hai thành phần chính của lipid trong máu là cholesterol và triglyceride.

 Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn hàng ngày như: Trứng, thịt, sữa, mỡ động vật, tôm, cá. Triglyceride là chất do dư thừa của axit béo không được chuyển thành cholesterol ở gan. Tại gan, triglycerid sẽ kết hợp với chất apoprotein và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp. Nếu không được kiểm soát, mỡ máu cao có thể để lại nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trong đó có bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, bệnh gan nhiễm mỡ, giảm chức năng sinh lý...

Ăn uống và thực hành lối sống lành mạnh có vai trò quyết định trong điều trị giảm rối loạn mỡ máu.

Chất béo

Năng lượng hợp lý của chất béo trong khẩu phần ăn chiếm 15%-20% là thích hợp. Thành phần chất béo và số lượng cholesterol trong khẩu phần ăn có tác dụng thay đổi cholesterol máu. Vì vậy, chế độ ăn nên giảm chất béo kết hợp với giảm acid béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, nước luộc thịt) và cholesterol, đặc biệt thể trans (có nhiều trong mỡ, sữa động vật) thay bằng acid béo chưa no từ dầu thực vật và mỡ cá.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mỡ máu cao - Ảnh 1.

Ăn uống và thực hành lối sống lành mạnh có vai trò quyết định trong điều trị giảm rối loạn mỡ máu.

Acid béo chưa no giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, đặc biệt là acid béo chưa no có nhiều nối đôi làm giảm cholesterol và LDL-cholesterol, làm tăng HDL-cholesterol.

Glucid

Thay thế acid béo no bằng lượng năng lượng từ acid béo chưa no một nối đôi hoặc glucid có tác dụng tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ có liên quan tới chỉ số BMI, hàm lượng insulin máu, làm tăng nhạy cảm của insulin, giảm triglyceride và kiểm soát cân nặng.

Protein

Protein thực vật đặc biệt các loại họ đậu (đậu nành, đậu Hà Lan, đậu đen) có hiệu quả giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Chế độ ăn nhiều protein bao gồm protein động vật và protein thực vật có tác dụng giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Chú ý sử dụng các loại thịt ít béo và sản phẩm sữa không đường.

Vitamin và chất khoáng

Vitamin và khoáng chất là những chất oxy hóa tự nhiên, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, đục thủy tinh thể, lão hóa...

Nguyên tắc của chế độ ăn cho người bị mỡ máu

Giảm năng lượng ăn vào: Với người có cân nặng bình thường, tính mức năng lượng theo lao động: 30 – 40 Kcal/kg cân nặng/ngày.

Với người thừa cân béo phì, cần giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân dựa theo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể). Giảm năng lượng của khẩu phần ăn vào từ từ theo từng bước, mỗi tuần giảm khoảng 300 Kcal so với khẩu phần ăn của bệnh nhân cho đến khi đạt năng lượng tương ứng với BMI:

- BMI từ 25 đến 29,9: năng lượng ăn vào là 1.500 Kcal/ngày

- BMI từ 30 đến 34,9: năng lượng ăn vào là 1.200 Kcal/ngày

- BMI từ 35 đến 39,9: năng lượng ăn vào là 1000 Kcal/ngày

- BMI = 40: năng lượng ăn vào là 800 Kcal/ngày.

Với người Việt Nam thì: BMI từ 18,5 đến 22,9 là bình thường; BMI từ 23 đến 25 là thừa cân; BMI > 25 là béo phì.

Cần theo dõi cân nặng và BMI để điều chỉnh tổng năng lượng cần thiết hàng tháng hoặc hàng quí để phòng giảm cân quá nhanh hoặc quá nhiều.

Giảm lượng chất béo:

Chất béo chỉ nên chiếm 20% – 25% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, trong đó chất béo no chiếm 1/3, chất béo chưa no 1 nối đôi chiếm 1/3, các béo chưa no có nhiều nối đôi chiếm 1/3. Giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 200 mg/ngày. Tăng cường sử dụng dầu lạc, dầu olive, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên bổ sung dầu cá vì chứa nhiều acid béo chưa no. Loại bỏ các thức ăn nhiều acid béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt và các thực phẩm có nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng, trứng, đồ hộp béo.

Tăng lượng protein ít béo:

Lượng đạm nên chiếm khoảng 15%-20% tổng năng lượng, bao gồm cả đạm động vật và thực vật. Một số đạm ít béo như thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt lợn thăn, thay đạm từ thịt bằng đạm cá và hải sản, đậu đỗ.

Chất bột (glucid): Chất bột ăn vào khoảng 55%-65% tổng năng lượng/ngày. Hạn chế đường, mật (tối đa chỉ nên 10-20g/ngày). Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ. Ngoài ra cần tăng cường các loại vitamin, chất khoáng, chất xơ chủ yếu trong rau, quả, gạo, mì.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm