Chỉ có khoảng 8% ảo thuật gia chuyên nghiệp là nữ

Jade Nguyễn
16/03/2024 - 19:02
Chỉ có khoảng 8% ảo thuật gia chuyên nghiệp là nữ

Anna DeGuzman, người trở thành Á quân cuộc thi "America's Got Talent" vào tháng 9/2023

Đã gần 50 năm trôi qua, Gay Blackstone vẫn nhớ rõ lần đầu tiên mình bị “cưa làm đôi” trên sân khấu. Dù tiếng hét của bà chỉ là yếu tố làm tăng thêm ảo giác nhưng sự căng thẳng đã khiến nó giống như thật.

Trở thành ảo thuật gia vẫn là mục tiêu khó khăn với nhiều phụ nữ

Vai trò hỗ trợ này cũng là điểm khởi đầu cho mối tình, sau đó là cuộc hôn nhân của bà với bậc thầy ảo thuật Harry Blackstone. Sau khi chồng qua đời vào năm 1997, bà chuyển sang làm người biểu diễn chính và tiếp tục sự nghiệp trong vai trò nhà ảo thuật, huấn luyện viên, nhà sản xuất và đạo diễn.

Bà Blackstone là một ngoại lệ. Theo phát ngôn viên của "Magic Castle", một câu lạc bộ ở Los Angeles (Mỹ) dành cho các thành viên của Học viện Ảo thuật, chỉ khoảng 8% ảo thuật gia chuyên nghiệp là nữ. Một số yếu tố tạo nên con số "khiêm tốn" này là phân biệt đối xử trên cơ sở giới, hạn chế về trang phục và định kiến trong giới ảo thuật rằng "phụ nữ là phương án tốt nhất để đánh lạc hướng khán giả". 

"Trong nhiều năm, không ai thực sự nghĩ đến việc phụ nữ cần phải trở thành ảo thuật gia. Nhưng bây giờ, khi chúng tôi đảm nhận những vai trò và công việc khác nhau mà chúng tôi muốn làm thì không có lý do gì phụ nữ không thể làm", Blackstone nói. Bà dự đoán sẽ có "sự bùng nổ" về số lượng phụ nữ theo đuổi nghề ảo thuật trong 5-10 năm tới, khi thế hệ những nhà ảo thuật trẻ học cách áp dụng các thủ thuật truyền thống và tạo ra cái mới theo cách của riêng họ. Tuy nhiên ở hiện tại, trở thành ảo thuật gia có thể là một mục tiêu khó khăn với nhiều phụ nữ.

“Trò ảo thuật khó nhất với phụ nữ là trở thành một ảo thuật gia”- Ảnh 1.

Nicole Cardoza, chuyên gia ảo thuật đồng xu, biểu diễn ở Los Angeles, Mỹ, vào tháng 9/2023

Nicole Cardoza, người nghệ sĩ chuyên biểu diễn về ảo thuật tiền xu, đã đi lưu diễn khắp nước Mỹ hơn hai năm cũng như tại các trường đại học, nhà thờ và hội nghị. Trên sân khấu, cô vừa là người kể chuyện, vừa là giáo viên, vừa là ảo thuật gia trong các buổi biểu diễn. Điều đó gợi nhớ đến Ellen Armstrong, người phụ nữ da màu đầu tiên tổ chức biểu diễn ảo thuật vào những năm 1900. Cardoza, 34 tuổi, cho biết, trong tiềm thức mọi người ít có xu hướng coi phụ nữ và người da màu là ảo thuật gia. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, các nhà ảo thuật là nam giới được đánh giá ấn tượng hơn phụ nữ, ngay cả khi họ thực hiện các thủ thuật giống nhau.

Trong buổi sơ tuyển của chương trình "America’s Got Talent" mùa 18, Anna DeGuzman, nữ diễn viên kiêm ảo thuật gia, đã đề cập đến sự khan hiếm phụ nữ trong lĩnh vực ảo thuật. Trong màn trình diễn đạt hơn 57 triệu lượt xem trên TikTok, cô bày tỏ hy vọng có thể truyền cảm hứng cho nhiều cô gái theo đuổi lĩnh vực ảo thuật. DeGuzman kết hợp bộ môn "cardistry" (nghệ thuật với những lá bài, được trình diễn với 52 quân bài Tây để tạo ra các hình thái và chuyển động đẹp mắt) vào màn ảo thuật của mình, với mục đích khơi dậy sự quan tâm đến một kỹ năng mà Blackstone đã mô tả là "vở ballet của những lá bài". DeGuzman, 25 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, cuộc đời cô đã thay đổi sau khi vòng sơ tuyển được phát sóng. Niềm tin của cô với việc phụ nữ nên được công nhận và chấp nhận trong lĩnh vực ảo thuật như nam giới cũng được củng cố. 

"Tôi tận dụng sự khác biệt của mình để làm lợi thế", cô nói. Trong suốt mùa giải, cô đã gây ấn tượng với ban giám khảo bằng nhiều màn biểu diễn. Trở thành Á quân của "America’s Got Talent" mùa 18, DeGuzman phô diễn những kỹ năng và sự sáng tạo của một ảo thuật gia. Heidi Klum, một trong những giám khảo của chương trình này, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều nữ ảo thuật gia hơn.

Thiếu hình mẫu trong lĩnh vực ảo thuật

Là con của một bà mẹ đơn thân, DeGuzman bắt đầu tập làm ảo thuật như một cách để giải trí. Khi còn là thiếu niên, cô bắt đầu đăng video lên mạng xã hội quay cảnh mình thực hiện các màn ảo thuật. Chúng thu hút sự chú ý của mọi người đến mức cô được giới thiệu trên "Penn & Teller: Fool Us" và "Australia’s Got Talent" trước khi đến với phiên bản Mỹ của chương trình. "Tôi không có hình mẫu nữ ảo thuật gia khi bắt đầu", DeGuzman nói và lưu ý thêm "Nhưng có một điều khác là không ai bảo tôi phải mặc gì".

Gabriella Lester tại một buổi biểu diễn ảo thuật

Gabriella Lester tại một buổi biểu diễn ảo thuật

Không hài lòng với những bộ vest truyền thống được nhiều nhà ảo thuật nam mặc, DeGuzman quyết định tìm phong cách thay thế. Cô bắt đầu biểu diễn trong trang phục dạo phố trước khi chọn kiểu quần áo nữ tính nhưng hiện đại và có tính chuyên nghiệp. Theo bà Blackstone, lựa chọn trang phục rất quan trọng trong các buổi biểu diễn ảo thuật vì chúng đóng vai trò che giấu những đồ vật cần thiết.

Ở tuổi 19, Gabriella Lester đã làm ảo thuật gia được vài năm. Cô là thành viên của "Junior Society" tại Học viện Ảo thuật, nơi cô cố vấn cho các ảo thuật gia từ 13 đến 20 tuổi có năng khiếu. Là 1 trong 10 nữ học viên trong tổng số 77 học viên tham gia chương trình, Lester không phải là đứa trẻ được nhiều người biết đến ở trường. Cô thường là người cố gắng trốn thoát sau khi bị bạn bè cùng lớp dùng dây thừng trói vào ghế. Lần đầu tiên luồn lách khỏi chiếc áo khoác bó tại một buổi gây quỹ của trường trong tư thế treo ngược, Lester mới 14 tuổi. 

Cô nói: "Đó là lần đầu tiên tôi làm ảo thuật và bây giờ nó là trò giúp tôi được nhiều người biết đến". Màn trình diễn trên sân khấu của cô được chú ý vì tính linh hoạt và đa dạng, đã nhận được sự công nhận từ ảo thuật gia dày dạn kinh nghiệm như Gay Blackstone, người ca ngợi khả năng của Lester là vượt trội so với một số nhà ảo thuật lớn tuổi hơn.

Lester thừa nhận rằng, các thủ thuật thường được giữ bí mật, khiến việc tìm hiểu và học hỏi để trở thành ảo thuật gia trở nên khó khăn. Tuy nhiên đối với cô, ảo thuật không phải là để đánh lừa con người mà là tạo ra cảm giác hòa nhập và chia sẻ. Cô mong muốn mang lại cho khán giả cảm giác như thể họ được tham gia một điều đặc biệt. Cô tin rằng, mối liên hệ này chính là điều thực sự truyền cảm hứng cho mọi người. Mặc dù có rất ít hình mẫu nữ trong ngành ảo thuật, Lester vẫn tiếp tục theo đuổi công việc là một nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật. Không có người để noi theo, cô phải tự tìm ra con đường riêng cho mình. 

Cô chia sẻ: "Không có cô gái hay nhà ảo thuật nữ nào mà tôi có thể học theo. Nhưng điều đó cũng cho tôi sự tự do sáng tạo để tạo ra con người mà tôi muốn bản thân mình lúc nhỏ nhìn thấy".

Nguồn: The New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm