pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiếc điện thoại thông minh đưa bản làng khởi sắc

Những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được những người phụ nữ giới thiệu, lan tỏa trên nền tảng số
"Trước đây, chúng tôi chẳng biết homestay là gì. Điện thoại chỉ để nghe gọi, Facebook là cái tên xa lạ. Nhưng giờ đây, tôi có thể tự quay video, viết bài, trò chuyện với khách khắp mọi miền… học nhanh như vậy cũng là nhờ làm du lịch tại chính ngôi nhà sàn của mình".
Lời tâm sự mộc mạc ấy được chị Vàng Thị Cân, một người phụ nữ Tày ở xã Bản Liền (Lào Cai) chia sẻ. Và chị Cân cùng với bà con tại Bản Liền đang từng bước dò dẫm, làm quen và đặt chân vào hành trình chuyển đổi số chỉ từ chiếc điện thoại thông minh. Từ đôi bàn tay vốn quen cầm liềm cắt chè, váy áo dân tộc thêu tay, những người phụ nữ dân tộc Tày giờ đã học cách sử dụng mạng xã hội, phần mềm quản lý, trí tuệ nhân tạo… để thổi hồn bản sắc vào du lịch cộng đồng.
Từ bậc thang nhà sàn bước vào thế giới số
Cách Hà Nội hơn 300km, song đường xá đi lại còn nhiều hạn chế, xã Bản Liền, là vùng đất còn khá xa lạ trên bản đồ du lịch. Nhưng với những người mê khám phá văn hóa bản địa, nơi đây là một thiên đường còn nguyên sơ với tiếng suối róc rách sau nhà, rừng quế thơm dịu sau vườn và những vườn chè Shan Tuyết cổ thụ phủ sương mỗi sớm.
Trước kia, vợ chồng chị Vàng Thị Cân và anh Lâm A Nâng chỉ biết đến chiếc điện thoại như một phương tiện liên lạc cơ bản. Tất cả những khái niệm như "truyền thông số", "fanpage", "đặt phòng online"... đều rất xa xôi với họ. Cùng với những bước chân của khách du lịch đến với bản làng, họ đã bắt đầu biết đến mạng xã hội, biết sử dụng facebook, zalo để trò chuyện với khách.
Ước mơ làm du lịch, giới thiệu nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với mọi miền đã trở thành động lực mạnh mẽ để anh chị thay đổi và bắt đầu hành trình 90 ngày chuyển đổi số từ những điều giản dị: học cách quay video, viết mô tả hấp dẫn cho món ăn, tạo fanpage cho homestay, trả lời tin nhắn... từ những vị khách chưa từng gặp mặt.

Những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được gia đình chị Vàng Thị Cân sử dụng điện thoại thông minh đưa lên mạng xã hội giới thiệu cho du khách
Không trường lớp chính quy, không bằng cấp, nhưng sự kiên trì, tự học và tinh thần không ngừng học hỏi và được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về chuyển đổi số do các tổ chức quốc tế, Hội LHPN tổ chức và do chính khách du lịch hướng dẫn, vợ chồng chị Vàng Thị Cân và bà con dân tộc Tày tại Bản Liền đã bước vào một thế giới mới, nơi chiếc điện thoại trở thành phương tiện nhanh và gọn nhất để giới thiệu bản làng.
Trên ngôi nhà sàn lợp lá cọ của mỗi gia đình, mỗi đêm những ngọn đèn được tắt muộn hơn, để những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại Bản Liền có thêm thời gian lên mạng "chốt đơn" bán chè, bán quế, tư vấn lịch trình cho du khách…
Phụ nữ dân tộc trở thành những "đại sứ chuyển đổi số"
Nằm sâu trong vùng núi của Sơn La, điểm du lịch cộng đồng Bản Bon (xã Mường Chiên) từng chỉ là nơi dừng chân thoáng chốc cho vài vị khách vãng lai. Thiên nhiên đẹp, con người hiếu khách, món ăn ngon, nhưng những lợi thế ấy chưa đủ để biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn. Được tiếp cận với các chương trình hướng dẫn chuyển đổi số của Dự án GREAT (Australia), các chị em phụ nữ dân tộc Thái tại Bản Bon đã được cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách đưa Bản Bon "lên mạng".

Du lịch Bản Bon khởi sắc nhờ giới thiệu, lan tỏa trên các nền tảng công nghệ số
Chị Hoàng Thị Dung (thành viên Ban điều hành HTX Cộng đồng Du lịch Bản Bon, tỉnh Sơn La) là một trong những người tiên phong trên hành trình chuyển đổi số tại bản. Ban đầu là vài bài đăng còn lúng túng, sau là những video chỉn chu, những câu chuyện đậm chất bản địa.
Khác với tư duy truyền thống chỉ quảng bá cảnh đẹp hay món ngon, chị Dung chọn cách kể những câu chuyện trải nghiệm. Mỗi bài viết là một lát cắt sống động về đời sống: từ lúc bắt cá dưới suối, hái rau rừng, đến cách làm món "chẩm chéo" đặc trưng, hay nguồn gốc của chiếc váy thổ cẩm trong đêm văn nghệ. Khách không chỉ đến để xem, để ăn, mà để sống như một người bản địa. Đây cũng là xu hướng du lịch trải nghiệm đang lên ngôi.
"Người ta sẵn sàng chi tiền không phải để 'ở' mà để 'hòa nhập'," chị Dung chia sẻ. Từ đó, chị mạnh dạn phát triển thêm các dịch vụ trải nghiệm như làm nông, dệt thổ cẩm, nấu ăn cùng chủ nhà. Tham gia chương trình "Du lịch thông minh – Bán phòng đắt khách", chị trở thành một trong những Đại sứ chuyển đổi số – cùng hàng chục phụ nữ khác trong các hợp tác xã du lịch trên khắp vùng cao, giúp nhau lan tỏa tri thức, kinh nghiệm và cảm hứng thay đổi.
Không dừng lại ở truyền thông, chị Dung cho biết chị đang đang tiếp tục học cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu khách hàng để xác định thời điểm đón khách tốt nhất, nhóm khách có xu hướng quay lại, và tối ưu giá phòng theo mùa. Với chị Dung, công nghệ không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn là phương tiện để lưu giữ, kể lại và lan tỏa văn hóa.
Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm
Phía sau mỗi fanpage được cập nhật đều đặn, mỗi homestay sáng đèn vào đêm cuối tuần là cả một hành trình bền bỉ của những người phụ nữ dân tộc. Họ đã dám mở cánh cửa nhà mình ra với thế giới, không chỉ bằng nụ cười và món ngon, mà còn bằng một tinh thần hội nhập mạnh mẽ.

Vợ chồng chị Vàng Thị Cân và anh Lâm A Nâng và hành trình chuyển đổi số từ chiếc điện thoại thông minh
Từ việc quay video hằng ngày, đăng bài lên Zalo, Facebook, đến học cách quản lý homestay bằng phần mềm..., những người phụ nữ dân tộc thiểu số đang trở thành doanh nhân bản địa thời đại số. Chuyển đổi số, với họ, không chỉ là học công nghệ mà là sự thay đổi về tư duy, từ người nông dân trở thành người kể chuyện, đưa bản làng nhỏ trở thành điểm đến được nhiều người biết đến.
Bắt đầu từ những bản làng xa xôi, không có nhiều công cụ hiện đại, chỉ bằng những chiếc điện thoại thông minh, nhưng với tinh thần luôn sẵn sàng đổi mới, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, nhưng người phụ nữ dân tộc Tày, dân tộc Thái Thái đang dần đưa du lịch bản địa trở thành điểm đến hấp dẫn, với những câu chuyện thật, con người thật, cảm xúc thật, truyền cảm hứng cho cộng đồng.