Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ

Thổ cẩm - thứ tưởng chừng thuộc về quá khứ, về ký ức, về những ngày xưa cũ ngày nay đang được một nghệ nhân thế hệ 8x gìn giữ bằng tình yêu nghề, bằng bàn tay khéo léo và bằng khát vọng không để bản sắc dân tộc không bị lãng quên.

Giữa phố xá ồn ào của thủ đô, có một góc nhỏ rất đỗi bình yên, nơi những gam màu chàm, vàng, đỏ… vẫn lặng lẽ tỏa sáng trên từng khuôn vải, từng nếp khăn, từng đường thêu tay tỉ mẩn. Đó là không gian của Hoa Tiến Brocade, một phiên bản thu nhỏ của bản làng người Thái tại Nghệ An được nghệ nhân Sầm Thị Tình phục dựng.

Lần đầu tiên đến với Hoa Tiến Brocade, Thanh Mai - một bạn trẻ sống tại phường Mỹ Đình, TP. Hà Nội không giấu được sự hào hứng và háo hức khi được chạm tay vào những tấm vải thổ cẩm màu chàm mang đậm chất thiên nhiên và rất gần gũi với tâm hồn người Việt.

"Ở Hà Nội không thiếu những địa chỉ bán thổ cẩm, nhưng đến với nơi đây, tôi như được lạc vào một không gian bản làng yên bình với những nét trang trí mộc mạc, giản dị. Đặc biệt, được tham gia workshop, tự tay nhuộm khăn chàm, thêu các hoa văn họa tiết thổ cẩm là một trải nghiệm rất khác biệt, giúp tôi hiểu thêm về công việc của những người phụ nữ dân tộc thiểu số và bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái tại Nghệ An", Thanh Mai chia sẻ.

Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 1.
Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 2.

Góc giới thiệu sản phẩm từ thổ cẩm của Hoa Tiến Brocade tại Hà Nội 

Còn với chị Đỗ Cúc, một nhà thiết kế thời trang, Hoa Tiến Brocade là địa chỉ quen thuộc chị thường ghé thăm để được truyền thêm cảm hứng cho những mẫu thiết kế của mình. Chị Cúc cho biết: "Thổ cẩm là một trong những chất liệu tôi lựa chọn để đưa vào các sản phẩm thời trang của mình, không chỉ vì sản phẩm đẹp mà tôi muốn mang vào bộ sưu tập câu chuyện về một người nghệ nhân, một cộng đồng vẫn đang gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, trong từng họa tiết là ký ức, là tình yêu quê hương".

Và người đứng sau không gian thổ cẩm, gìn giữ từng họa tiết từ bản làng, đó là nghệ nhân Sầm Thị Tình, một người phụ nữ dân tộc Thái, đến từ bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, sau sáp nhập là xã Châu Tiến, tỉnh Nghệ An) đã dành cả tuổi trẻ để gìn giữ và đưa nét bản sắc dân tộc vượt ra khỏi vùng núi xa xôi, đưa thổ cẩm về với thủ đô và vươn ra thế giới.

Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 3.

Nghệ nhân Sầm Thị Tình gìn giữ và đưa nét bản sắc dân tộc vượt ra khỏi vùng núi xa xôi, đưa thổ cẩm về với thủ đô và vươn ra thế giới.

Kể câu chuyện văn hóa bằng những điều giản dị

Trong khoảng sân bình yên của Hoa Tiến Brocade, câu chuyện của nghệ nhân Sầm Thị Tình đưa chúng tôi quay về với bản Hoa Tiến, một bản Thái cổ, thường được gọi là "bản thổ cẩm" bởi nơi đây là cái nôi dệt nên những tấm vải thổ cẩm có hoa văn tinh xảo và đẹp mắt.

"Người Thái ở Hoa Tiến không biết nghề dệt bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã thấy bà, thấy mẹ miệt mài bên khung cửi. Từ tấm áo cưới đến khăn trải bàn, từ đồ dùng sinh hoạt đến những nghi lễ thiêng liêng, đâu đâu cũng có bóng dáng của thổ cẩm. Không giống các loại vải công nghiệp, thổ cẩm của người Thái là những bức tranh chứa đựng biểu tượng văn hóa, tâm linh và tình yêu thiên nhiên. Mỗi họa tiết, mỗi gam màu là một câu chuyện kể", chị Sầm Thị Tình thủ thỉ.

Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 4.

Thổ cẩm được phụ nữ dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến gìn giữ

Sinh ra và lớn lên ở bản Hoa Tiến, trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời, từ nhỏ, chị Sầm Thị Tình đã say mê với những đường thêu rực rỡ sắc màu trên nền vải mộc mạc.

Mẹ của chị Tình, nghệ nhân Sầm Thị Bích là một trong những người đầu tiên sáng lập Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến năm từ 2010, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống đang dần bị mai một. Từ một nhóm nhỏ các bà, các mẹ trong bản, HTX thổ cẩm Hoa Tiến nay đã quy tụ hàng chục nghệ nhân dệt truyền thống. Mỗi người một khung cửi, mỗi nhà một góc nhuộm màu, cùng nhau dệt nên sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, HTX khôi phục quy trình nhuộm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên để tạo ra những sản phẩm không chỉ thân thiện môi trường mà còn giúp sản phẩm giữ được màu sắc bền đẹp, độc đáo.

Tốt nghiệp Cao đẳng Truyền hình, từng có cơ hội ở lại thành phố làm truyền thông một nghề ổn định, thu nhập tốt nhưng chị Sầm Thị Tình chọn về lại bản làng với mong muốn giữ lại những giá trị đang phai nhạt của thổ cẩm. Bằng sự sáng tạo và tư duy của thế hệ trẻ, chị Sầm Thị Tình quyết tâm đưa sản phẩm của HTX thổ cẩm Hoa Tiến ra khỏi bản làng bản làng.

Từ năm 2015, nghệ nhân Sầm Thị Tình đã mạnh dạn mở showroom Hoa Tiến Brocade tại Hà Nội. Đây không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm làm từ thổ cẩm như ví, túi xách, khăn choàng, váy áo... mà còn là một không gian thu nhỏ của bản làng với những khung dệt, khung thêu, các góc để nhuộm vải… giúp khách hàng có thêm trải nghiệm và thêm yêu thổ cẩm của người dân tộc Thái xứ Nghệ. Chị cũng không ngần ngại học hỏi thêm về marketing, xây dựng thương hiệu Hoa Tiến Brocade, kết hợp truyền thông online, website, mạng xã hội để đưa thổ cẩm đến với giới trẻ và du khách quốc tế.

Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 5.
Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 6.
Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 7.

Nghệ nhân Sầm Thị Tình hướng dẫn du khách trải nghiệm nhuộm vải 

Tiếp lửa đam mê cho thế hệ trẻ

Không chỉ là nghệ nhân, Sầm Thị Tình còn là người "truyền lửa" cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cô gái dân tộc Thái. Hoa Tiến Brocade hiện nay đón nhận nhiều sinh viên và lao động trẻ người dân tộc quay về học nghề, tham gia sản xuất, có thêm thu nhập và giữ gìn bản sắc.

Sầm Thị Uyên, một cô gái trẻ sinh ra và lớn lên tại bản Hoa Tiến tâm sự: "Từ bé mình đã được học dệt vải thổ cẩm, học thêu từ bà, từ mẹ. Khi lớn lên, rời xa nhà để lên đi học, em nghĩ mình sẽ phải rời xa khung dệt, khung thêu. Nhưng nhờ có chị Sầm Thị Tình, dù không ở bản làng, mình vẫn có thể gắn bó với thổ cẩm. Với một sinh viên dân tộc thiểu số đang học tại Hà Nội như em, vừa được dạy nghề, giữ nghề, có thêm thu nhập, lại được gặp gỡ, giao lưu với các khách hàng yêu thổ cẩm trong và ngoài nước là điều rất hạnh phúc và tự hào".

Nghệ nhân dân tộc Thái đưa thổ cẩm về với Thủ đô, truyền nghề cho thế hệ trẻ- Ảnh 8.

Sầm Thị Uyên (bên trái) giới thiệu nét đẹp thổ cẩm của người Thái bản Hoa Tiến đến du khách quốc tế

Với nghệ nhân Sầm Thị tỉnh hay với những bạn trẻ như Sầm Thị Uyên, thổ cẩm đang được họ gìn giữ và vẽ nên một tương lai mới, đưa những sản phẩm thủ công từ bản làng tìm được chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại, nơi công nghệ và tiện lợi lên ngôi. Chị Sầm Thị Tình chia sẻ, với chị, thổ cẩm đó không phải là món hàng để bán, mà là hành trình lưu giữ nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.


Lê Hoa
18/07/2025 16:00