Đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

Trường Lê (thực hiện)
18/07/2025 - 13:18
Đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

Phụ nữ dân tộc thiểu số dệt thổ cẩm

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ, Giảng viên chính Nguyễn Văn Thanh, Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam - đồng tác giả nghiên cứu tại Tham luận “Hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn tỉnh Bình Phước”.

PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, ông có thể cho biết bối cảnh và lý do thực hiện nghiên cứu về vấn đề đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Phước - nay là tỉnh Đồng Nai?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh: Bình Phước - nay là tỉnh Đồng Nai là một tỉnh miền núi biên giới, thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, với 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phụ nữ chiếm 49,59% tổng dân số toàn tỉnh. 

Thực tế hiện nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỷ lệ cao, và đời sống người dân, đặc biệt là phụ nữ, gặp nhiều khó khăn.

Những định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, cùng những tập tục lạc hậu chính là rào cản đối với bình đẳng giới - đặc biệt là tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Tỷ lệ đạt chỉ tiêu các cuộc đối thoại chính sách còn thấp, tỷ lệ phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc thực thi Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa đồng đều.

Từ thực tiễn trên, nghiên cứu của chúng tôi tập trung đánh giá thực trạng và triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Phước – nay là tỉnh Đồng Nai, cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và sự tham gia thực chất của họ.

Đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Tiến sĩ, Giảng viên chính Nguyễn Văn Thanh

 PV: Vậy, kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng công tác đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Bình Phước (cũ) hiện nay như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh: Công tác đối thoại chính sách được xác định là nội dung then chốt. Căn cứ Kế hoạch số 43/KH-ĐCT ngày 03/6/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai Dự án 8, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bình Phước (cũ) đã ban hành quyết định thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc và tổ chức hội nghị triển khai Dự án 8 đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Phước (cũ) tổ chức được 7 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã và cụm thôn, bản đặc biệt khó khăn- đạt 29% chỉ tiêu; 5 hội nghị truyền thông - đạt 100%; 2 lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ xã - đạt 50% chỉ tiêu và 3 lớp tập huấn cho cán bộ thôn, ấp - đạt 38% chỉ tiêu. 

Các hội nghị, cuộc họp, đối thoại được duy trì nền nếp, nhận được sự đồng tình cao của phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân nói chung.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các cuộc đối thoại, họp dân, tiếp xúc cử tri chiếm khoảng 70%, có thôn, bản chỉ có phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù số lượng tham gia đông nhưng nhiều phụ nữ vẫn còn e ngại, chưa mạnh dạn phát biểu do thiếu kiến thức, chưa biết cách trình bày ý kiến hoặc ngại bày tỏ quan điểm trước cộng đồng.

Một số nội dung mà người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, quan tâm nhiều nhất trong các cuộc đối thoại là vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm, chính sách vay vốn ưu đãi, y tế, phòng chống bạo lực gia đình, xử lý rác thải, và đề nghị nâng phụ cấp cho chi hội trưởng phụ nữ thôn, bản. 

Đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc M'nông dệt thổ cẩm. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rào cản về địa hình, ngôn ngữ, năng lực cán bộ cơ sở và công tác vận động tuyên truyền chưa sâu sát.

PV: Theo ông, những khó khăn, hạn chế nào đang cản trở quá trình phát huy vai trò và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Phước (cũ)?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh: Khó khăn lớn nhất đến từ định kiến giới và đặc thù dân tộc. Phụ nữ dân tộc thiểu số chịu sự thiệt thòi kép: vừa bị bất bình đẳng giới, vừa gặp trở ngại từ chính phong tục, tập quán của cộng đồng mình như: rào cản ngôn ngữ, phong tục lạc hậu, tư tưởng gia trưởng, hạn chế về tiếp cận giáo dục, đất đai, cơ hội kinh tế, khả năng tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức họp dân, đối thoại, tiếp xúc cử tri còn mang tính hình thức ở một số nơi; số lượng người tham gia chưa đông đủ do đồng bào đi làm ăn xa, hoặc không nắm được nội dung và thời gian tổ chức. 

Cán bộ tổ chức một số nơi còn thiếu kỹ năng điều hành linh hoạt, chưa biết cách đặt vấn đề, gợi mở để người dân - đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số - tham gia đóng góp ý kiến.

Ngoài ra, tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội ở tỉnh còn thấp, đặc biệt là ở những địa phương có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn. Thêm vào đó là tình trạng ngại giao tiếp, tự ti, không thạo tiếng phổ thông, ngại họp hành cũng là rào cản lớn.

PV: Trước thực trạng trên, xin ông chia sẻ những giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò và đảm bảo tiếng nói thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh: Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù cho các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tiếp cận dịch vụ công và các công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Thứ hai, tập trung lập kế hoạch và tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản đúng tiến độ, số lượng, chất lượng theo chỉ tiêu phân bổ. Trang bị, sửa chữa hệ thống loa đài, thiết bị phục vụ họp dân đầy đủ; khảo sát thời gian, địa điểm họp phù hợp với lịch làm ăn của người dân để họ tham gia đông đủ.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ các chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ, bằng nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp, dễ tiếp cận; kết hợp truyền thông qua hệ thống loa thôn, bản, tổ chức các hội nghị tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi bằng song ngữ.

Thứ tư, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ phụ nữ, cán bộ cấp cơ sở về phương pháp tổ chức đối thoại, kỹ năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kỹ năng điều hành linh hoạt, xử lý tình huống và đối thoại hiệu quả.

Cuối cùng, cần kiểm tra, giám sát thường xuyên việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại, công khai kết quả tiếp thu, xử lý ý kiến, kiến nghị của người dân. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, đối thoại và thực hiện kết luận sau tiếp xúc, đối thoại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm