pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việc làm cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số: Cần cách hỗ trợ thiết thực

Thiếu nữ dân tộc Thái ở Tây Ninh
PV: Ông có thể cho biết tổng quan về nhu cầu việc làm và thực trạng hỗ trợ việc làm đối với phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tại xã Nhựt Ninh (cũ) hiện nay như thế nào?
ThS. Hoàng Bào Trường: Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy nhu cầu hỗ trợ việc làm của phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An (cũ), là rất đa dạng. Phụ nữ nghèo tại đây có nhiều nhu cầu cụ thể như tiếp cận thông tin việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề, được giới thiệu kết nối việc làm, và được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp.
Trong khảo sát của chúng tôi, việc tiếp cận thông tin được xem là rất quan trọng, với tỷ lệ 53,3% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng "cần thiết" và "rất cần thiết". Đối với một số phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số, việc không có thông tin chính xác về các cơ hội việc làm và các chương trình hỗ trợ là một rào cản lớn trong việc tham gia thị trường lao động.
Bên cạnh đó, có đến 50% số phụ nữ khảo sát đánh giá hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề là "cần thiết" và "rất cần thiết", bởi để làm việc tại các cơ sở may mặc, gia công thủ công hoặc mỹ nghệ thì họ cần được đào tạo, trang bị tay nghề.
Giới thiệu và kết nối việc làm cũng là yếu tố quan trọng, với tỷ lệ 53,3% phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tham gia khảo sát cho rằng "cần thiết" và "rất cần thiết". Ngoài ra, 50% số người được hỏi mong muốn được hỗ trợ vay vốn để khởi nghiệp, bởi một số hộ có điều kiện thuận lợi nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Chúng tôi cũng tiến hành xếp hạng mức độ ưu tiên và kết quả cho thấy: Tiếp cận thông tin việc làm được xếp ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là đào tạo nâng cao tay nghề, rồi đến giới thiệu việc làm và cuối cùng là hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp.

Thạc sĩ Hoàng Bào Trường trong một lớp học đào tạo cán bộ Hội cơ sở
PV: Xin ông phân tích rõ hơn về thực trạng tiếp cận thông tin việc làm và các hoạt động hỗ trợ mà phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số ở đây đang nhận được?
ThS. Hoàng Bào Trường: Các kênh tiếp cận thông tin việc làm của phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tại xã Nhựt Ninh (cũ) rất đa dạng, song mức độ hiệu quả khác nhau. Phụ nữ chủ yếu tiếp cận thông tin qua bạn bè, người thân (80%) và các cuộc họp, tập huấn của cán bộ, cơ quan nhà nước (70%).
Đây là hai kênh thông tin được tin cậy và có hiệu quả cao nhất. Thông tin từ phương tiện truyền thông như loa, báo, đài... chỉ đạt 30%, còn mạng xã hội là 43,3%.
Thông tin qua băng rôn, tờ rơi hầu như không được phụ nữ tiếp cận nhiều (3,3%). Lý do là kênh này ít khi được triển khai rộng rãi, nội dung không phù hợp và không hấp dẫn với nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số.
Về tiếp cận các hoạt động tạo việc làm, tỷ lệ tiếp cận thông tin việc làm thường xuyên chiếm 56,7%, đào tạo nâng cao tay nghề cũng đạt 56,7%, giới thiệu kết nối việc làm là 56,7%, còn hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cao hơn - 63,3%.
Chúng tôi cũng đánh giá hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, theo đó các hoạt động này đều được phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số đánh giá mức độ hiệu quả cao (điểm trung bình đạt 3,800/5). Nhìn chung, các hoạt động được triển khai khá đồng bộ và tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập.
PV: Ông có thể chỉ rõ những khó khăn chính mà phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số gặp phải trong quá trình tiếp cận các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm hiện nay?
ThS. Hoàng Bào Trường: Phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số ở xã Nhựt Ninh (cũ) gặp nhiều rào cản trong tiếp cận việc làm. Nổi bật nhất là sự thiếu tự tin vào bản thân (90%), do trình độ học vấn thấp, điều kiện gia đình khó khăn, tâm lý tự ti.

Người có uy tín góp phần quan trọng trong công tác bình đẳng giới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh
Có đến 70% phụ nữ cảm thấy thiếu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Ngoài ra, một số chị em cho rằng môi trường làm việc chưa thuận lợi, công việc không phù hợp cũng là rào cản (3,3%). Thêm vào đó, có trường hợp phụ nữ gặp khó khăn vì thiếu sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt từ người chồng, hoặc phải chăm con nhỏ mà không có người trông giúp.
Một vấn đề khác là thông tin tuyển dụng thường ít, hoặc không phù hợp với trình độ, khả năng và điều kiện gia đình của họ. Mạng xã hội tuy phổ biến nhưng lại nhiều thông tin giả, khiến chị em lo ngại. Một bộ phận phụ nữ trung niên cũng hạn chế tiếp cận công nghệ nên thông tin việc làm đến với họ vẫn chưa thực sự đầy đủ và kịp thời.
PV: Từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn tại địa phương, ông có thể đề xuất những kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả hỗ trợ việc làm cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số ở xã Nhựt Ninh (cũ)?
ThS. Hoàng Bào Trường: Tôi kiến nghị một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, đối với UBND xã Nhựt Ninh (cũ): Cần đẩy mạnh xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ việc làm cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số, bao gồm cung cấp thông tin, tổ chức các buổi tư vấn việc làm, hướng nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Ngoài ra, nên tổ chức các buổi tập huấn định kỳ về khởi nghiệp và sử dụng vốn hiệu quả.
Thứ hai, đối với các ban ngành, đoàn thể: Nên tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề thiết thực, phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức các phiên chợ việc làm lưu động hoặc sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Ngoài ra, nên triển khai các chương trình hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp linh hoạt, giảm lãi suất, hoặc ưu tiên vốn cho các mô hình sản xuất nhỏ lẻ tại hộ gia đình.
Thứ ba, đối với bản thân phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số: Cần tham gia tích cực vào các chương trình xây dựng kỹ năng mềm, tự tin trong giao tiếp, làm việc. Nâng cao nhận thức về vai trò, năng lực bản thân, từng bước vượt qua tâm lý tự ti, mạnh dạn đăng ký học nghề và tìm việc làm phù hợp.
Tôi cho rằng chỉ khi các nhu cầu thiết thực được đáp ứng một cách toàn diện và phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp sức cả về thông tin, kỹ năng và tài chính thì mới thực sự giúp họ thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!