Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%

PV
04/01/2021 - 12:17
Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Ảnh VGP

Sáng nay (4/1/2021), Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Ngày 01/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành 02 Nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Để nhìn nhận đầy đủ về giai đoạn 5 năm 2016-2020, theo ông Mai Tiến Dũng, trước hết chúng ta đánh giá giai đoạn 4 năm 2016-2019 khi chưa xuất hiện đại dịch COVID-19. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới…

Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát từ đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện mục tiêu này. Nếu như quý I/2020, GDP tăng trưởng 3,82% do còn có những tác động trễ của quý IV/2019 thì đến quý II/2020, tăng trưởng GDP chỉ còn 0,36% đã cho thấy những tác động rất nặng nề của dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế của chúng ta.

Tuy nhiên, trước khó khăn, chúng ta càng nỗ lực, cố gắng để thực hiện được lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp 3; đồng thời xác định phương châm "chống dịch như chống giặc" và quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KTXH. Chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt có hiệu quả, đã giảm thiểu tối đa thiệt hại; được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và trở thành một "hình mẫu" về cách thức kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu

Phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn.

Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021:

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là: Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội.

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021-2025, hướng tới phát triển nhanh và bền vững theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao).

Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới một số các nhiệm vụ như:

Phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chính phủ yêu cầu, các bộ khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.


Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế, Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy xã hội hóa gắn với hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Cùng với đó, chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế….

Với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 02 năm nay đề ra thông điệp của Chính phủ là Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Một số kết quả chặng đường 5 năm giai đoạn 2016-2020

Tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP

Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên (chung cả nhiệm kỳ, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%, tương đương gần 9.000 USD)

Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm.

Cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm