pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng mất, người vợ chấp nhận đóng vai "mẹ ác"

Ảnh minh họa
Chị góa chồng, một mình nuôi 2 con gái khôn lớn. Hồi đó, anh bị tai nạn lao động, dù chị xác định bán nhà chạy chữa cho anh nhưng các bác sĩ cũng bó tay. Hơn ai hết, chị thấm thía những cơ cực khi một mình xoay xở mọi cách kiếm tiền nuôi con, khi kiên định một con đường ở vậy, dạy dỗ 2 con nên người…
Số phận thật nghiệt ngã khi con gái út của chị chuẩn bị làm đám cưới thì biết tin chồng tương lai mắc bệnh trọng. Cậu ấy đã giấu bệnh, cố gắng đẩy con gái chị ra xa. Một lần vô tình con gái chị biết chuyện.
Con nói với chị dự định sẽ đồng hành cùng người yêu, dù có chuyện gì xảy ra. Mặc dù chị yêu quý cậu ấy nhưng trước hạnh phúc cả đời của con, chị không thể đồng tình. Suốt mấy tuần nay, con bé không muốn nói chuyện với mẹ, đến bữa cơm cũng tránh mặt mẹ. Chị không biết làm sao để con hiểu nỗi lòng của chị…
Tình huống chị đang trải qua là một trong những giằng xé cảm xúc khó khăn mà một người mẹ có thể đối mặt: Đứng giữa tình yêu thương dành cho con và nỗi sợ con phải gánh chịu nỗi bất hạnh mà mình từng trải qua.
Thanh Tâm đã chia sẻ một vài góc nhìn để chị có thể bình tĩnh nhìn lại và tìm ra con đường tốt hơn cho hai mẹ con. Chị không sai khi lo lắng cho con. Việc chị xót thương, lo sợ, muốn bảo vệ con hoàn toàn là phản ứng bình thường.
Chị từng mất đi người chồng yêu dấu, từng kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác khi một mình nuôi hai con, nên dễ hiểu khi chị hoảng sợ trước viễn cảnh con gái mình có thể sẽ phải đối mặt với bi kịch tương tự.
Sự lo lắng ấy không xuất phát từ sự khắt khe, mà từ tình yêu thương, từ nỗi đau cũ chưa nguôi. Nhưng điều mà chị tưởng như là bi kịch đôi khi lại là cơ hội để con gái chị trưởng thành, sống trọn vẹn với niềm tin và tình yêu của con.
Chị hãy hạnh phúc vì con gái đã trưởng thành. Cô bé ấy không còn là đứa trẻ cần mẹ chỉ đường từng bước. Ở tuổi chuẩn bị kết hôn, lại gắn bó với người yêu suốt 6 năm, con chị hẳn đã có nhiều trải nghiệm về cuộc sống và cảm xúc.
Việc chấp nhận người yêu kể cả khi biết anh ấy mắc bệnh là một hành động không mù quáng, mà là biểu hiện của một người biết yêu, biết lựa chọn và dám chịu trách nhiệm. Chị có thể giúp con bằng cách hỏi con đã lường trước những khó khăn gì, đã có kế hoạch thế nào, sẽ xoay xở ra sao nếu tình huống xấu nhất xảy ra…
Nó không mang tính chất chất vấn hay phản đối, mà là gợi mở để con suy nghĩ kỹ hơn trong lựa chọn của mình.
Thực tế, sự phản đối gay gắt của chị sẽ đẩy con ra xa. Con gái chị đang né tránh, không muốn nói chuyện với mẹ, đó là biểu hiện của nỗi đau và sự tổn thương khi bị người mình yêu thương phản đối một điều mình coi là ý nghĩa.
Nếu cứ giữ tâm thế "không đồng tình", "phải ngăn cản", chị có thể vô tình đánh mất mối kết nối yêu thương giữa hai mẹ con mà chị đã dày công xây dựng suốt bao năm qua. Hãy lùi lại một bước, chủ động mở lòng, không phải để đồng ý ngay, mà để lắng nghe con, cho con biết rằng mẹ luôn ở bên và mẹ tôn trọng quyết định của con.
Ngăn cản con gái lấy người mắc bệnh nan y không hẳn là làm "mẹ ác" nhưng cũng không chắc đã là cách yêu thương đúng đắn. Mỗi thế hệ có một cách nhìn nhận khác nhau về hạnh phúc và khổ đau.
Thứ đã từng khiến chị khổ cực không chắc sẽ là điều khiến con chị gục ngã. Và đôi khi, điều con người cần nhất trong giông bão không phải là tránh bão, mà là có người cùng mình đi qua giông bão. Chị hãy chủ động nói chuyện với con bằng sự mềm mỏng, không phán xét.
Từ đó, lắng nghe con về mọi thứ: mối quan hệ, quyết định, lý do con chọn gắn bó với người mình yêu. Và hãy chia sẻ cảm xúc chân thật: "Mẹ từng trải qua cảnh mất bố, mẹ sợ con khổ như mẹ. Nhưng mẹ cũng hiểu mỗi người có cách sống và yêu khác nhau…".
Chị không phải là "mẹ ác" khi ngăn cản, mà là người mẹ đang cố gắng hết sức để giữ gìn hạnh phúc cho con theo cách chị cho là đúng. Nhưng hạnh phúc là điều mà con chị phải tự đi tìm và tự quyết định.
Chị không thể sống thay, đau thay hay quyết định thay con gái mình, nhưng chị hoàn toàn có thể là bến an toàn để con quay về bất cứ khi nào cần.