Chồng thoát bẫy lừa đảo nhờ gọi điện cho vợ

Tây Anh
19/02/2025 - 20:25
Chồng thoát bẫy lừa đảo nhờ gọi điện cho vợ

Ảnh minh họa

Khi anh Thịnh kể lại sự việc, chị Oanh nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo mà một đồng nghiệp của chị vừa bị rơi vào bẫy. Còn chồng chị, nhờ gọi cho vợ để kiểm tra thông tin mà may mắn không bị lừa.

Chiều hôm đó, khoảng gần 3 giờ, khi đang bận rộn với công việc, điện thoại của anh Đức Thịnh (ở Hà Nội) reo lên. Đầu dây bên kia là một giọng nam, tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo gia đình anh đang nợ hơn 1 triệu đồng tiền điện và cần thanh toán ngay để tránh bị cắt điện. 

Kèm theo đó, người này hướng dẫn anh Thịnh tải một ứng dụng được quảng cáo là của bên điện lực có liên kết với ngân hàng, giúp thanh toán tự động, nhanh chóng và thuận tiện.

Thoáng chút ngập ngừng nhưng anh Thịnh biết rõ hàng tháng vợ anh vẫn thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng. Vậy nên anh quyết định tạm dừng cuộc gọi để kiểm tra lại thông tin. Ngay sau đó, anh Thịnh gọi điện thoại cho vợ là chị Oanh. 

Khi anh Thịnh kể lại sự việc, chị Oanh nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo mà một đồng nghiệp của chị vừa bị rơi vào bẫy. Còn chồng chị, nhờ gọi cho vợ để kiểm tra thông tin mà may mắn không bị lừa.

Chị Oanh kể với chồng rằng, kẻ gian cũng giả mạo nhân viên điện lực, hướng dẫn đồng nghiệp của chị tải và cài đặt ứng dụng giả mạo của điện lực về điện thoại. Chỉ sau vài thao tác làm theo kẻ lừa đảo, nhập thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP, người này bị trừ 6 triệu đồng. 

Thấy đồng nghiệp của chị Oanh hoang mang, kẻ lừa đảo tiếp tục dẫn dụ bằng cách hứa hẹn hoàn tiền nếu người này cung cấp thông tin một tài khoản ngân hàng khác. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, người này đã sử dụng một tài khoản có số dư 0 đồng để thử giao dịch. 

Ngay lập tức, kẻ lừa đảo ngắt kết nối. Dù không mất thêm tiền nhưng khoản 6 triệu đồng bị lừa trước đó đã không thể lấy lại.

Trong thời đại công nghệ số, những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi và xuất hiện dưới nhiều thủ đoạn khác nhau: giả danh công an, giả mạo nhân viên ngân hàng, giả danh người giao hàng, nhân viên tư vấn gọi điện thông báo khách hàng may mắn trúng thưởng phần quà giá trị cao…

Anh Thịnh thở phào nhẹ nhõm vì đã may mắn thoát bẫy lừa đảo. Trải nghiệm không vui này giúp anh rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Để bảo vệ người thân và gia đình khỏi những trò lừa đảo tinh vi, vợ chồng anh Thịnh thực hiện những lưu ý dưới đây:

Cảnh giác với các cuộc gọi số lạ: Thấy số điện thoại lạ gọi đến, cần cảnh giác, không làm theo hướng dẫn của người lạ, không bấm vào các đường link lạ, tải và cài đặt ứng dụng từ các tin nhắn không rõ nguồn gốc được gửi tới qua Zalo, Facebook… để tránh bị đánh cắp thông tin, mất tiền oan.

Luôn xác minh thông tin: Khi nhận được cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, tiền nước hay bất kỳ dịch vụ nào khác, đừng vội thực hiện bất kỳ hướng dẫn nào. Hãy kiểm tra thông tin bằng cách xác nhận với người thân, bạn bè hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tuyệt đối không cung cấp mã OTP: Ngân hàng và các đơn vị uy tín không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP qua điện thoại hay tin nhắn. Nếu ai đó yêu cầu gửi mã OTP, chắc chắn đó là lừa đảo.

Thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo và chia sẻ cho cả gia đình, để các thành viên cùng nhận diện và tránh bị sập bẫy lừa đảo.

Chỉ một phút mất cảnh giác, tài sản có thể "không cánh mà bay". Do đó, mỗi gia đình cần cảnh giác, cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào và nên trang bị kiến thức về an toàn công nghệ để bảo vệ bản thân và gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm