Chị Nguyễn Thị Vĩnh (45 tuối), chủ quán phở bò ở số 69 Văn Cao (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị mở cửa bán hàng.
Chuẩn bị việc bán hàng sau gần 2 tháng giãn cách, một chủ quán phở trên phố Văn Cao (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã dậy từ 4 giờ sáng dọn hàng, chờ mở cửa.
Chiều 15/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành công văn điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trên địa bàn. Theo đó, từ 12h ngày 16/9, các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9) được phép mở cửa cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch; khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng.
Quán phở bò Lý Quốc Sư trên phố Văn Cao (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) nằm trong số 19 quận, huyện (trong tổng số 30 đơn vị hành chính ở cấp này) không ghi nhận ca mắc cộng đồng. Chuẩn bị cho ngày bán hàng đầu tiên sau gần 2 tháng đóng cửa, chị Vĩnh cùng chồng và người thân đã dậy từ 4 giờ sáng.
Cùng trên tuyến phố, chị Nguyễn Thị Tươi (45 tuổi), chủ một quán cà phê từ đầu giờ sáng đã có mặt ở cửa hàng để dọn dẹp. Tuy nhiên đến hơn 1 giờ chiều, quán vẫn chưa bán được ly cà phê nào.
Trên phố Dương Quảng Hàm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), vừa tới thời gian mở cửa, nhiều bạn trẻ đã có mặt ở một quán phở bò, cơm rang xếp hàng đợi mua.
Anh Lương Anh Minh (21 tuổi), sinh viên Đại học Giao thông vận tải cho biết, "Đã gần 2 tháng nay, tôi chưa được thưởng thức món cơm rang. Khi biết tin các quán ăn trên địa bàn hoạt động trở lại, tôi rất háo hức".
Theo quan sát, khách mua hàng đứng khá sát nhau, không đảm bảo khoảng cách giãn cách 2m.
Chị Trần Tuyến (trú quán tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), chủ quán cho biết, trong 2 tháng qua, gia đình chị gồm 4 người (vợ chồng, 2 con nhỏ) bị mắc kẹt ở Hà Nội. Việc Hà Nội cho mở các quán ăn là động thái tích cực giúp gia đình chị vơi đi những khó khăn.
Nhận được tin cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông được phép hoạt động trở lại từ chiều qua, ngay tối cùng ngày, anh Thạch Văn Nghĩa (48 tuổi), Giám đốc Trung tâm Sữa chữa - Bảo dưỡng Xe máy Việt Á Motor III (phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy) đã tới cơ sở chuẩn bị mở cửa từ tối qua. Sáng nay, anh đã cùng các nhân viên bị mắc kẹt tại quán dọn dẹp để chờ đón khách vào lúc 12 giờ trưa.
Các phương tiện được đem tới đây phần lớn bị hỏng bình ắc quy, chuột cắn đứt dây điện... Chủ các phương tiện phải dắt bộ hoặc thuê xe cứu hộ chở đến.
Sau hai tháng nghỉ việc, anh Nguyễn Xuân Thịnh (37 tuổi, quê tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa), quản lý tại Trung tâm đã đi làm trở lại vào sáng nay: "Tôi mong Nhà nước sớm khống chế tình hình dịch bệnh, giữ nguyên vùng xanh để việc làm của chúng tôi được ổn định".
Trung tâm Sữa chữa - Bảo dưỡng Xe máy Việt Á Motor III của anh Nghĩa còn có một cơ sở nữa ở phố Nguyên Hồng (quận Ba Đình). Tổng số nhân viên 2 cơ sở là gần 40 người, khi Hà Nội thực hiện giãn cách nhiều nhân viên ngoại tỉnh mắc kẹt tại cơ sở. Suốt thời gian này, anh Nghĩa phải vay lãi ngân hàng để hỗ trợ tiền ăn uống cho tất cả mọi người, trung bình mỗi người 7 triệu đồng.
"Tôi mong các nhân viên chăm chỉ làm việc, biết yêu quý công việc. Làm sao cho khách hàng đến với cơ sở sửa chữa ngày một đông hơn, để có thu nhập bù lại những ngày dừng hoạt động", anh Nghĩa bày tỏ mong muốn.
Nhà hàng Ngọc Hiếu trên phố Văn Cao chưa mở cửa do nhân viên hầu hết đều đã về quê.
Bên cạnh những cơ sở, cửa hàng được phép mở cửa thì vẫn có cơ sở, cửa hàng không được phép nhưng vẫn mở cửa. Ví dụ như: Cơ sở buôn bán điện thoại trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) - quận nguy cơ cao về dịch bệnh Covid-19 mở cửa khi chưa được phép.