Chưa bao giờ tôi thấy mình thiệt thòi khi là vợ bộ đội Trường Sa

Hải Linh
30/04/2021 - 14:30
Chưa bao giờ tôi thấy mình thiệt thòi khi là vợ bộ đội Trường Sa

Trung uý Trương Thị Diệu Thanh trong lần ra thăm chồng ở đảo (Ảnh: NVCC)

“Lần nào ra đầu ngõ ngóng bố mà không thấy bố về, cu cậu chạy về nhà túm áo mẹ rơm rớm nước mắt: “Mẹ ơi, con muốn bố về…”. Tôi cũng là bộ đội, tinh thần cũng sắt đá lắm, song những lúc như thế, người phụ nữ trong tôi chợt yếu mềm, chạnh lòng se sắt theo con”.

Con gái lớn luôn tự hào khoe bố công tác ở đảo Trường Sa

Cuối giờ chiều, vừa gấp lại các sổ sách xếp vào ngăn tủ sau 1 ngày vất vả của công tác hậu cần, Trung uý QNCN Trương Thị Diệu Thanh, Nhân viên quản lý, Tài chính của Tiểu đoàn 866, Lữ đoàn 101 (Khánh Hoà), vợ của Trung tá, chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca Dương Văn Dũng ngại ngần: "Tôi chẳng có gì để nói đâu, nhiều người vợ lính đảo còn vất vả hơn tôi nhiều". Thế nhưng, khi phóng viên nhắc đến việc nhiều người ca ngợi chị nhiệt tình tham gia công tác Hội phụ nữ, đoàn thanh niên hay mọi hoạt động văn nghệ của đơn vị cũng đều có mặt chị, chị vui vẻ tâm sự: "Công việc chính của tôi là công tác hậu cần, bảo đảm chế độ ăn cho bộ đội ở đơn vị, rồi lo phụ cấp…, ngoài ra tôi còn tham gia nhiều hoạt động sôi nổi của đơn vị, nên cũng luôn bận rộn, hiếm có ngày nào thảnh thơi".

Chưa bao giờ tôi thấy mình thiệt thòi khi là vợ bộ đội Trường Sa	 - Ảnh 1.

Chị Thanh ra thăm chồng khi ấy anh còn công tác ở đảo Song Tử Tây (Ảnh: NVCC)

Chị Thanh cho biết, anh Dũng đi đảo công tác đã 3 năm. Chị và anh có 2 con nhỏ, con gái đầu học lớp 5, con trai thứ 2 nay đã 5 tuổi và đang học mẫu giáo lớn. "Các cháu là con nhà lính, nên đều tự lập từ nhỏ, con gái lớn học giỏi, luôn đạt danh hiệu xuất sắc của lớp. Cháu cũng hiểu về công việc của bố ở đảo xa, bố làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng, nên cháu tự hào và khoe với thầy cô và các bạn nhiều lắm. Còn cu em là con trai nhưng lại tình cảm giống bố" – chị Thanh kể.

Chị cho biết, căn nhà nhỏ của mẹ con chị ở cùng khu tập thể với nhiều cán bộ của Lữ đoàn, mỗi dịp có các bác, các chú ở đảo về phép là xôn xảo cả xóm nhỏ. Lần nào cu cậu cũng ra đầu ngõ ngóng bố, khi không thấy bố về, cu cậu lại chạy về nhà túm áo mẹ rơm rớm nước mắt: "Mẹ ơi, con muốn bố về…". Tôi cũng là bộ đội, tinh thần cũng sắt đá lắm, song những lúc như thế, người phụ nữ trong tôi chợt yếu mềm, chạnh lòng se sắt theo con".

"Anh biết ở nhà ba mẹ con vất vả nhiều lắm"

"Năm ngoái tôi được ra đảo thăm anh 1 lần, lúc ấy anh còn công tác ở đảo Song Tử Tây. Thực lòng lúc tôi mới đến cầu cảng thấy choáng vì sóng to, gió lớn nên rất sợ. Nhưng khi lên đảo và có chồng ở bên, mọi lo lắng tiêu tan hết. Tôi lại thấy đảo của chồng đẹp đẽ, đáng yêu với vườn rau xanh mướt, với cây trái xum xuê. Sau lần ra thăm đảo, hiểu cuộc sống và nỗi vất vả âm thầm của bộ đội ở đảo xa, về đất liền tôi lại càng thương anh nhiều hơn".

Vậy mà mỗi lần anh điện về nhà thăm vợ con đều dặn dò: "Ở nhà yên tâm, đừng lo gì cho anh. Anh biết ở nhà 3 mẹ con em vất vả, nhưng phải cố gắng thật nhiều, rồi anh lại về".

Chưa bao giờ tôi thấy mình thiệt thòi khi là vợ bộ đội Trường Sa	 - Ảnh 2.

"Chưa bao giờ tôi thấy mình thiệt thòi khi làm vợ bộ đội Trường Sa" (Ảnh: NVCC)

Lần gần nhất anh Dũng về thăm nhà là tháng 8 năm 2020. Cũng như những lần trước, lần nào anh về cũng có món quà mang hương vị biển về cho vợ con, khi thì con ốc, lúc thì vỏ sò, và lần gần đây nhất là cây bàng vuông nhỏ xíu, được anh gói cẩn thận mang về. "Chậu bàng vuông của anh mẹ con tôi để trước cửa. Cây bàng nhỏ xíu, giờ đã cao hơn 1 mét rồi. Mỗi lúc nhớ chồng, các con nhớ bố, mẹ con tôi lại ngồi lặng lẽ ngắm cây bàng vuông, chăm chút nó mỗi ngày thêm xanh tốt. Món quà tinh thần nhỏ bé của anh, như sự động viên ấm áp đầy cảm xúc ở nhà dành cho 3 mẹ con tôi" – chị Thanh vui vẻ khoe.

Chị Thanh bảo, chị chưa bao giờ thấy mình thiệt thòi khi làm vợ bộ đội Trường Sa. Dù bản thân sức khoẻ chị không tốt, hay ốm vặt, 2 con cũng hay ốm đau liên miên. "Bản thân tôi là bộ đội, nghĩa là mình phải hơn những người vợ bộ đội khác không công tác trong quân ngũ, vì mình vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, thì dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng vượt qua. Dẫu có lúc tôi cũng mủi lòng, tủi thân một chút vì lúc khó khăn vẫn chỉ có 1 mình, nhưng hãy nghĩ chỉ hôm nay thôi, mỗi ngày mình cố gắng thêm một chút, thì ngày hôm qua sẽ ở lại phía sau. Mình phải cố gắng làm hậu phương vững chắc nhất, thì anh mới yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ Quốc giao" – chị Thanh khẳng định bằng nụ cười tự tin, tràn đầy hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm