Theo bác sĩ Nguyên, bất kỳ phương pháp điều trị bệnh đều phải được Bộ Y tế xây dựng phác đồ điều trị trên cơ sở khoa học. Với mắt, có rất nhiều dị tật, trong đó có cận thị và loạn thị. Hiện điều trị dị tật này có nhiều phương pháp nhưng phổ biến nhất vẫn là đeo kính.
“Tại BV Mắt Hà Nội 2, các bác sĩ đã gặp và điều trị cho một số trẻ tập thiền và yoga. Tất cả các em đến BV điều trị đều được xác định độ cận, loạn vẫn tăng, thậm chí có trẻ bị biến chứng nặng hơn”, bác sĩ Nguyên nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, khi trẻ có các biểu hiện khó chịu ở mắt, nhìn mờ, nhức mỏi mắt, cần đến BV gặp chuyên gia để chẩn đoán. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ xác định trẻ bị dị tật gì và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
“Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ thanh kiểm tra và xác định hành vi vi phạm của các trung tâm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí đóng cửa các cơ sở đó”, bà Hà nói.
Trước đó, PNVN đã thông tin, một số trung tâm của dự án Mắt sáng học đường (thuộc Công ty 3Training) tại Hà Nội quảng cáo có thể chữa khỏi dị tật mắt bằng phương pháp thiền, yoga... Nghe lời ngon ngọt, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các khóa học với chi phí từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tham gia, mắt trẻ không cải thiện như mong đợi.
Trả lời phóng viên Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc dự án Mắt sáng học đường (thuộc Công ty 3Training) cho biết, đây không phải là phương pháp điều trị dị tật của mắt. Chỉ số duy nhất có thể cải thiện là sức khỏe của đôi mắt. Do đó, sau khi tập luyện, nếu học viên bị cận thị thì họ vẫn bị cận mà không thể khỏi được.
“Sau khóa tập, ai bị cận thị vẫn cận, thậm chí độ cận cũng không giảm được. Trừ trường hợp cận thị giả thì sau khi tập xong là họ hết, còn lại nếu đã là cận thị, loạn thị thì không thể khỏi hay giảm độ”, bà Thủy khẳng định.