pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Bộ "sốt ruột", các ủy ban thẩm tra quá tải
Bộ "sốt ruột" muốn bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng
Tại hội nghị, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị đưa vào chương trình 2 luật: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự án luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở rất quan trọng để cùng với dân quân tự vệ thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự cơ sở. Hiện Luật Dân quân tự vệ đã được Quốc hội thông qua, nếu không thông qua dự án luật này thì không có sự đồng bộ. Bộ trưởng Công an đề nghị đưa dự án luật này vào xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
Còn Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo Bộ trưởng Công an cũng cần nhanh chóng xem xét vì thực tế vấn đề trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng trong trật tự an toàn xã hội. Tổng kết Luật Giao thông đường bộ cho thấy qua 10 năm thực hiện, hàng trăm nghìn người chết, bị thương vì tai nạn giao thông.
"Tôi thấy rất sốt ruột vấn đề này", ông Tô Lâm nói.
Từ tháng 6, Chính phủ đã có nghị quyết thông qua xây dựng luật này. "Chúng tôi đề nghị đưa vào xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Hiện nay tất cả nội dung đã hoàn thành, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đăng lên cổng thông tin điện tử Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân nhưng tại kỳ họp này vẫn chưa có tên trong danh sách các dự án luật", ông Tô Lâm nói.
Cần thực hiện nghiêm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Đại diện các cơ quan giúp việc của Quốc hội đều cho rằng, việc một số dự án luật chưa có tên trong chương trình xây dựng pháp luật, nguyên nhân chính đến từ các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện đúng thời hạn xây dựng, xin ý kiến và trình dự án.
Ông Nguyễn Sỹ Cương Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, các cơ quan chủ trì soạn thảo thường "phàn nàn" các ủy ban của Quốc hội "ép" tiến độ trình các dự án luật. Tuy nhiên những thời hạn trong kế hoạch hoàn toàn do cơ quan soạn thảo ấn định trong kế hoạch. Các ủy ban của Quốc hội hoàn toàn chỉ hỗ trợ tạo điều kiện để cơ quan chủ trì hoàn thành lộ trình của mình. Trong khi đó, việc trình các dự án chậm gây nhiều sức ép cho các cơ quan thẩm tra, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạt động này khi thời gian quá gấp gáp.
Báo cáo một số nội dung về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Chương trình đã được Quốc hội quyết định, số lượng các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến hết năm 2020 là không nhiều nhưng lại tập trung vào một số cơ quan, trong khi từ nay đến Kỳ họp thứ 10 chỉ còn 3 tháng, còn nhiều trình tự, thủ tục phải thực hiện ở cả phía Chính phủ và Quốc hội.
Ông Tùng cũng cho rằng để có thể tiếp nhận thẩm định, thẩm tra một dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ít nhất 2 tháng. Tuy nhiên tình trạng trình dự án luật chậm, muộn thậm chí mãi đến khi kỳ họp đang tiến hành mới trình vẫn đang tiếp diễn.
Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở một số Ủy ban của Quốc hội khi có nhiều dự án luật, nghị quyết cùng lúc cần phải thẩm tra. Ngay trong kỳ họp sắp tới Bộ Công an đề nghị bổ sung hai dự án luật vào chương trình lập pháp và đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên hiện tại, Ủy ban Quốc phòng An ninh đang phải chịu trách nhiệm thẩm tra hai dự án luật và một nghị quyết. Nếu bổ sung thêm hai dự án luật nữa rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải.
Một điều nữa ông Tùng cũng lưu ý các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cần phải chặt chẽ cẩn trọng trong quá trình xây dựng. Những vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh cần phải được xác định rõ ràng tránh chồng chéo mâu thuẫn gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và phía sau đó là những trình tự góp ý, tiếp thu chỉnh lý mất nhiều thời gian.
Báo cáo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cuối năm 2020 và năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng: số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định để giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải hay chậm, muộn các dự án luật, tất cả các bên từ chủ trì soạn thảo, trình, thẩm tra đều phải nghiêm túc thực hiện đúng theo các quy định của luật ban hành các quy phạm pháp luật.