Chuyển đổi hình thức học online: Trung tâm giáo dục phải thoả thuận với phụ huynh

Hải Yến
07/06/2021 - 11:35
Chuyển đổi hình thức học online: Trung tâm giáo dục phải thoả thuận với phụ huynh

Học sinh học online mùa dịch

Không chấp nhận cho con học online mùa dịch Covid-19, nhiều phụ huynh bức xúc vì học phí không được hoàn trả. Họ cho rằng, trung tâm chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến hiệu quả học tập.
Gian nan đòi lại học phí

Chị Hà My (35 tuổi, ở Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội) bức xúc chia sẻ về chuyện học online của con mình ở trung tâm âm nhạc trong mùa dịch Covid-19. Chị My cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở Hà Nội đến nay, con chị đều được nhà trường, các trung tâm ngoại ngữ... cho nghỉ học. Mới đây, trung tâm âm nhạc M.Music trên phố An Trạch (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội), nơi con chị theo học piano được 3 năm nay, thông báo qua email về việc chuyển đổi hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. "Trung tâm sẽ chuyển đổi hình thức học từ học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới của Sở GD&ĐT Hà Nội. Giờ học vẫn giữ nguyên như cũ. Quý phụ huynh vui lòng phối hợp với Trung tâm chuẩn bị cho con máy tính/ máy tính bảng/ điện thoại có kết nối mạng internet và tài khoản gmail để có thể vào lớp học trực tuyến" – thông báo của trung tâm cho hay. Điều khiến chị My không hài lòng là: Học phí học trực tuyến vẫn giữ nguyên như lúc học trực tiếp tại lớp.

Lớp học đàn của con chị My có 10 học sinh. Chị My đặt câu hỏi, với 10 học sinh, học trực tuyến trong 1 tiếng đồng hồ, làm sao giáo viên có thể chỉ dẫn cho từng học sinh trên phím đàn được?

"Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi hoàn toàn ủng hộ việc học online với các môn học như toán, văn, ngoại ngữ, đạo đức... nhằm duy trì và ôn tập kiến thức cho các con. Nhưng bộ môn piano là một đặc thù, nó đòi hỏi người giáo viên phải trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra các con trên từng phím đàn. Việc học online 1 thầy – 1 trò còn khó huống chi là 1 thầy với 10 trò như vậy", chị My phản ánh.

Chị My đã email phản hồi trung tâm về việc này. Một ngày sau đó, phía trung tâm đã trao email lại với chị My và thay đổi thông báo so với trước đó: "Toàn bộ số buổi học trực tuyến sẽ được khấu trừ 15% so với học phí hiện tại".

Tuy nhiên, chị My vẫn không có ý định cho con học online như vậy. Chị đã gọi điện đến trung tâm xin nghỉ học cho con và yêu cầu được hoàn trả số học phí mà chị đã đóng. Phía trung tâm tiếp nhận thông tin của chị, hứa sẽ phản hồi lại nhưng đến nay đã 2 tuần trôi qua mà không hồi đáp. Lớp học online đã diễn ra và con chị My không theo học.

Chị Hà Khánh Quỳnh (Đội Cấn, Hà Nội) cũng chia sẻ về việc trung tâm tiếng Anh của con gái chị thông báo sẽ chuyển sang hình thức học online thay vì trực tuyến. Trước khi chuyển đổi sang hình thức học online, phía trung tâm đã khảo sát ý kiến phụ huynh và thông báo: 55% phụ huynh đồng ý học online. Lấy lí do quá nửa số phụ huynh trong lớp đồng ý học online nên trung tâm tiếng Anh này vẫn quyết định duy trì hình thức học online. Khi chị Quỳnh trao đổi rằng, học tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài cần học trực tiếp mới hiệu quả, thì phía nhân viên của trung tâm ra sức thuyết phục chị rằng: "Chị yên tâm, chúng em vẫn đảm bảo học online nhưng hiệu quả như học trực tiếp".

Chuyển đổi hình thức học online: Trung tâm giáo dục phải thoả thuận với phụ huynh - Ảnh 1.

Không chấp nhận cho con học online mùa dịch Covid-19, nhiều phụ huynh bức xúc vì học phí không được hoàn trả. Ảnh minh hoạ

Con chị Quỳnh không tham gia lớp học online và chị Quỳnh muốn được hoàn trả học phí thì phía trung tâm trả lời là không thể hoàn trả. Con chị nếu không học online thì phải chờ khoá học sau đó để tiếp tục học. "Không bàn luận đến chuyện nên học online hay tạm nghỉ học tại thời điểm này. Nhưng trung tâm phải tôn trọng ý kiến phụ huynh và không được quyền áp đặt như thế. Học phí chúng tôi đã đóng và trung tâm thì chỉ muốn tổ chức học online để thu học phí mà không hề nghĩ đến hiệu quả các con nhận được là thế nào", chị Quỳnh nói.

Trung tâm có trách nhiệm hoàn trả học phí

Theo khảo sát, phần lớn các Trung tâm Giáo dục tại Hà Nội hiện tạm nghỉ theo chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội để phòng, chống dịch Covid-19. Một số trung tâm như Trung tâm tiếng Anh IEG, Trung tâm Ispeaking đã duy trì việc ôn tập kiến thức cho học viên bằng việc gửi tài liệu, bài tập ngữ pháp, file âm thanh luyện nghe nói... qua email cho phụ huynh để các con tự ôn tập, nộp lại bài cho trung tâm để giáo viên sửa. Đặc biệt, các Trung tâm này duy trì việc ôn tập cho học viên nhưng không thu một khoản phí nào.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đỗ Thu Hà (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng, phụ huynh khi đăng ký học cho con ở Trung tâm giáo dục luôn phải có hợp đồng đào đạo, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên A (bên sử dụng dịch vụ - Phụ huynh & học sinh) , bên B (bên cung cấp dịch vụ - Trung tâm giáo dục). Hợp đồng này sẽ là căn cứ hợp pháp về việc thoả thuận dân sự giữa phụ huynh và Trung tâm giáo dục về việc học của con em mình.

Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh toàn thành phố. Đây là một sự việc phát sinh (có thể chưa được nhắc đến trong hợp đồng đào tạo trước đó). Vì vậy, phía Trung tâm khi đưa ra các thay đổi về hình thức học tập, phải được sự đồng thuận từ phía phụ huynh và học sinh. Phía Trung tâm không có quyền ép phụ huynh và học sinh tuân thủ những quyết định từ phía Trung tâm đưa ra. Còn trong trường hợp vì lí do dịch bệnh mà không thể tiếp diễn như nội dung đã ký kết trong hợp đồng đào tạo giữa hai bên, phía Trung tâm có trách nhiệm phải hoàn trả học viên học phí đã đóng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm