pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với Việt Nam và Hàn Quốc
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 8
Kết nối việc làm cho phụ nữ ở Hàn Quốc
Tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 8 ngày 21/7, đại biểu hai nước đã chia sẻ những thành công, kinh nghiệm tốt và cả những thách thức đặt ra đối với phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số. Việc chia sẻ những điển hình tiêu biểu và kinh nghiệm tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ, cùng với việc tìm hiểu các vấn đề trong tương lai trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Hàn Quốc và Việt Nam là một chủ đề thú vị và mang tính thời sự. Diễn đàn góp phần mở ra những cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì mục tiêu phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong thế giới đang số hóa.
Bà Oh Eun-jin - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phụ nữ Hàn Quốc chia sẻ, tại nước này, quy mô nền tảng lao động kỹ thuật số, chuyển đổi số dự đoán tiếp tục được mở rộng vì nó mang lại sự linh hoạt trong công việc, đặc biệt trong đại dịch. Đặc biệt, phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình dễ hơn do có thể tự chủ động thời gian và địa điểm làm việc. Mặt khác, dựa trên việc sử dụng dữ liệu kỹ thuật số, phụ nữ có thể tìm công việc mình mong muốn. Tuy nhiên, công việc trên nền tảng kỹ thuật số nới rộng sự chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ. Phụ nữ tập trung vào các công việc có mức lương tương đối thấp, ngay cả khi họ có môi trường làm việc tương đối tự do.
Còn bà Han Junhye - Quản lý, Trưởng nhóm dự án Cơ quan hỗ trợ tuyển dụng lại đối với phụ nữ chia sẻ, Hàn Quốc tăng cương áp dụng công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi số trong hỗ trợ việc làm cho nhiều phụ nữ bị gián đoạn nghề nghiệp vì lý do hôn nhân; thai sản và nuôi dạy con; chăm sóc gia đình. Chị em sẽ được giới thiệu việc làm phù hợp dựa trên việc kiểm tra năng lực, kinh nghiệm, trình độ. Các trung tâm việc làm sẽ đào tạo nghề trực tuyến phù hợp với phụ nữ, tập trung vào các nghiệp vụ thương mại, khởi nghiệp, thực hiện dịch vụ kết nối việc làm trực tuyến…
Chuyển đổi số trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Hội cần giới thiệu đến hội viên, chị em phụ nữ Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cần nâng cao nhận thức của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng của kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư và đại dịch Covid-19.
Để hỗ trợ phụ nữ Việt Nam chuyển đổi số, cần tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số trong và ngoài nước; tôn vinh các điển hình phụ nữ tham gia phát triển kinh tế số; chương trình chuyển đổi số trong hoạt động của Hội. Hướng dẫn, kết nối để phụ nữ tham giao dịch, mua bán trên các sàn thương mại điện tử.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Trưởng ban Quốc tế Hội LHPN Việt Nam chia sẻ, từ tháng 1/2021, Hội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030. Trong lĩnh vực kinh tế, Hội hướng đến nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế và phát triển bền vững; phát triển mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế; đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; thúc đẩy tham gia của phụ nữ trong kinh tế số. Bên cạnh đó, Hội nhắm mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Qua đó góp phần thực hiện khâu đột phá nhiệm kỳ 2022-2027 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.
Bàn về hoạt động ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bà Đào Mai Hoa - Phó Ban Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển Kinh tế cho biết, trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp qua các hoạt động truyền thông, đào tạo, kết nối, tư vấn, đề xuất chính sách thông qua Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Hội LHPN Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động đồng hành đưa tri thức số đến với phụ nữ khởi nghiệp.
Hội tuyên truyền về lợi ích tham gia kinh tế số như cơ hội mua sắm toàn cầu, mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá sản phẩm... Cảnh báo về các hành vi lợi dụng internet, thương mại điện tử để lừa đảo, kinh doanh trá hình và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, Hội tổ chức đào tạo kỹ năng số, chuyển đổi số, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, vận động phụ nữ tăng cường sử dụng hạ tầng thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt, sử dụng internet an toàn trong các giao dịch thương mại…
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ số trong quảng bá văn hóa, bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, bảo tàng đã thay đổi nhận thức, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số cho các hoạt động, tạo ra các sản phẩm mới để đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, vừa giới thiệu quảng báo văn hóa của phụ nữ và đất nước Việt Nam. Các triển lãm online thể hiện các vấn đề lịch sử, văn hóa, kinh tế, gia đình, giới, đặc biệt tuyên truyền các đề án và hoạt động của Hội... Các clip giới thiệu câu chuyện hiện vật được sản xuất đăng tải trên Youtube, website, truyền thông rộng rãi trong và ngoài nước. Bảo tàng nghiên cứu, hoàn thiện thuyết minh tự động 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha.