Chuyện ghi ở lớp học không có bục giảng và giáo án

Đình Nguyên
04/12/2020 - 10:44
Chuyện ghi ở lớp học không có bục giảng và giáo án
Ở Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An có những người "chở đò" thầm lặng. Nhưng "chuyến đò" của những giáo viên nơi đây đặc biệt hơn khi trực tiếp giảng dạy cho những học trò mang chứng tự kỷ hoặc có những khiếm khuyết về cơ thể.

Mỗi trẻ là một giáo án riêng

Mỗi một giáo viên đứng trên bục giảng để truyền dạy con chữ, truyền đạt kiến thức đều là "những người chở đò thầm lặng". Ở Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An cũng có những người "chở đò" thầm lặng như thế. Nhưng "chuyến đò" của những giáo viên ở đây còn đặc biệt hơn khi trực tiếp giảng dạy cho những học trò mang chứng tự kỷ hoặc có những khiếm khuyết về cơ thể.

Lớp học không có bục giảng và giáo án - Ảnh 1.

Dạy trẻ tự kỷ ngoài chuyên môn còn cần tình thương và lòng nhẫn nại

"Với những trẻ tự kỷ thì giáo viên phải linh hoạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Không trẻ nào giống trẻ nào, mỗi trẻ là một giáo án riêng. Điều quan trọng nhất ở mỗi giáo viên là tình thương, đó cũng là cách để chúng tôi bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và cùng với trẻ chơi, học những kỹ năng xã hội hàng ngày", cô Hà Thị Lê Na (SN 1988) chia sẻ.

Gần 10 năm gắn bó với việc dạy trẻ tự kỷ tại Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An, cô Lê Na đã trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn. Cũng là giáo viên nhưng công việc hàng ngày của những giáo viên nơi đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Chăm sóc, giáo dục trẻ bình thường đã vất vả, giáo dục những trẻ mắc các bệnh tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, Down còn khó gấp nhiều lần. Giờ học của những lớp học đặc biệt ấy không đơn thuần chỉ là dạy nghe, nói, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy mà còn là sự kiên nhẫn dạy từng từ, từng chữ cho những em kém may mắn.

Thành lập từ năm 2010 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An đã giảng dạy cho gần 500 trẻ tự kỷ. Hiện, trung tâm có 13 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Các giáo viên tại đây không chỉ tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mà có cô là y tá, bác sĩ, thạc sỹ, cử nhân chuyên ngành tâm lí học... Hàng ngày, giáo viên sẽ hướng dẫn các trẻ từ những động tác đơn giản nhất như nhai, thổi, thè lưỡi... đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, biết thông báo cho người khác khi muốn đi vệ sinh hoặc lúc đói bụng, cảm thấy mệt mỏi”.

Bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An

"Chưa có tiết học nào được trọn vẹn bởi nhiều khi đang học các em bỗng la hét, khóc rồi đập bàn ghế hay chạy ra khỏi lớp trong giờ học. Mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc, làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình còn khó gấp nhiều lần. Mỗi trẻ là "một giáo án riêng" không thể biết trước. Đa số bài giảng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, có khi dạy cả tuần mà các em không hiểu nhưng tôi luôn bình tĩnh xử lý và uốn nắn hành vi cho các em", cô Lê Na tâm sự.

Theo cô Na, bên cạnh việc nắm vững kiến thức chuyên môn thì phải nắm bắt từng biểu hiện, triệu chứng khác nhau của trẻ để có những phương pháp riêng. Bởi chỉ cần một phút nóng giận, mất bình tĩnh thôi là phương pháp can thiệp sẽ không đem lại kết quả. Không chỉ dạy các em bảng chữ cái, chữ số, dạy đọc, dạy viết, cô Na còn hướng dẫn các em từ vệ sinh cá nhân đơn giản... chỉ mong, mỗi ngày trôi qua các em biết thêm được mặt chữ, đếm được chữ số và kiểm soát được hành vi của mình.

Theo cô Na, cái khó của giáo viên ở đây là vừa tìm phương pháp dạy cho mỗi trẻ, vừa làm công tác tư tưởng cho các phụ huynh. Chính bố mẹ của các trẻ chiếm vai trò quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị của các cháu. Bởi hầu hết phụ huynh đưa con tới lớp học đặc biệt ở đây đều không chấp nhận việc con mình phải mang chứng bệnh này suốt đời. "Chỉ khi thông tư tưởng, chấp nhận sự thật thì các phụ huynh mới đồng hành với giáo viên trong suốt quá trình điều trị", cô Na bộc bạch.

Lớp học không có bục giảng và giáo án - Ảnh 3.

Một giờ học đặc biệt của cô Lê Na với học trò

Cô giáo 8X này chia sẻ, tiếp xúc với trẻ tự kỷ đòi hỏi phải kiên nhẫn. Có em đã lên 6-7 tuổi nhưng như trẻ vài tháng tuổi, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào, kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, đi vệ sinh... Hoặc có em trên 10 tuổi, cao lớn hơn cả cô giáo nhưng chưa phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có những em lại rụt rè, không dám nhìn vào cô giáo nhưng có lúc hiếu động quá mức, thúc đầu vào tường hoặc cào, cắn cô giáo. Dẫu vậy, những giáo viên nơi đây vẫn luôn nhẹ nhàng, ân cần, mang theo tình thương, lòng trắc ẩn, âm thầm dạy dỗ, chỉ bảo, yêu thương những trẻ đặc biệt ấy như chính con mình. Cũng là người mẹ nên chị Na hiểu rõ nỗi niềm của các bậc phụ huynh. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, nhưng đều có điểm chung là chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

Hạnh phúc khi thấy trò tiến bộ

Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ thì vất vả, khó khăn hơn nhiều lần. Thế nhưng gần 10 năm qua, cô Hà Thị Lê Na đã vượt qua mọi khó khăn, kỳ thị để gắn bó với trẻ tự kỷ. Sự hy sinh thầm lặng của cô đã giúp nhiều em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống. "Đối với những nữ giáo viên dạy trẻ tự kỷ, điều hạnh phúc nhất chỉ đơn giản là khi các con làm được những việc... bình thường", cô Lê Na chia sẻ.

Lớp học không có bục giảng và giáo án - Ảnh 4.

Một giờ học đặc biệt của cô Lê Na giảng dạy

Với trẻ tự kỷ, những điều tưởng như đơn giản ở trẻ khác như gọi tên mẹ hay hát, múa, mặc quần áo... lại là điều không hề đơn giản. Có những trẻ, hướng dẫn 10 lần, 20 lần, thậm chí 100 lần mới làm được những hành động đơn giản nhất như ngồi ghế, khoanh tay.

Với những người làm nghề dạy trẻ tự kỷ như cô Na, niềm vui lớn nhất là thấy trẻ tiến bộ sau quá trình điều trị. Cô vẫn nhớ như in trường hợp một bé trai khi mới được 18 tháng tuổi, bố mẹ cho đi khám ở bệnh viện và được kết luận có dấu hiệu tự kỷ. Trong giai đoạn đầu, con rất khó làm quen với người lạ, suốt 3 tháng trời cứ nhìn thấy cô giáo là khóc và nôn ra khắp nhà. Có những lúc khóc ròng suốt cả buổi học 90 phút. Phải mất gần 1 năm, con mới làm quen được và hợp tác, có nhiều tiến bộ rõ rệt. "Đôi khi muốn bỏ cuộc nhưng vì tình thương nên tôi lại tự động viên mình cố gắng, áp dụng phương pháp điều trị khác. Sau một năm điều trị, nhờ gia đình kiên trì phối hợp với giáo viên nên con đã tốt hơn, không còn những triệu chứng ấy nữa", cô Na nhớ lại.

Công việc dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách, đòi hỏi những người giáo viên phải kiên nhẫn, nhiệt tình. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ để nhận biết sớm các triệu chứng trẻ tự kỷ và có phương pháp can thiệp sớm, giúp trẻ tiến bộ, sớm hòa nhập cộng đồng.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm