Chuyện ghi từ một Văn phòng OSSO

Trần Lê
10/03/2022 - 15:26
Chuyện ghi từ một Văn phòng OSSO

Một buổi tư vấn tại Văn phòng OSSO Hải Phòng

Mệt mỏi sau chuỗi ngày hồi hương trong tình trạng 3 “không”: Không việc làm, không thu nhập, không liên lạc được với con, chị Đinh Thị Thu Hoa rụt rè bước chân vào Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) Hải Phòng. Mong muốn lớn nhất của chị lúc đó là được biết thông tin về con ở Hàn Quốc.

Chị Đinh Thị Thu Hoa (trú tại huyện An Dương, TP. Hải Phòng) lấy chồng Hàn Quốc. Khi đang mang bầu đứa con thứ 2, chị bị chồng bạo hành nên bỏ về Việt Nam. Khi đứa con thứ hai được 5 tuổi, chị quay lại với chồng ở Hàn Quốc sau những níu kéo và lời hứa thay đổi của anh ta. Nhưng lần tái hợp này được không lâu thì anh ta tiếp tục giở thói vũ phu nên chị quyết định ly hôn và về Việt Nam. Những tưởng về quê hương, được ở bên gia đình, việc gây dựng lại cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn nhưng thực tế không như vậy.

Nỗi nhớ con khi tình mẫu tử bị chia cắt dày vò chị mỗi ngày. Khi ly hôn chị không được quyền nuôi con. Do khoảng cách địa lý, chị chỉ liên lạc với các con qua điện thoại. Sau này, gia đình chồng cũ chuyển chỗ ở nên chị bị mất liên lạc với các con. Chị luôn đau đáu không biết các con sống thế nào, sức khỏe, học hành có tốt không. Vì đứa con thứ hai sống với mẹ ở Việt Nam đến 5 tuổi mới sang Hàn Quốc nên bé không biết tiếng Hàn. Vì vậy, khi theo mẹ sang đoàn tụ với bố thời gian đó bé học không giỏi và hay bị bố đánh. Khi nhà chồng cũ chưa chuyển chỗ ở, mỗi lần chị gọi điện thoại sang, con chỉ khóc nói muốn về Việt Nam với mẹ. Chị nhớ thương con nhưng không biết làm cách nào.

"Qua quá trình hợp tác thực hiện giai đoạn 1 Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam", Tổ chức Di cư quốc tế đánh giá cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động phối hợp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương có hệ thống, hiệu quả cao, triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau như: Tư vấn, tập huấn, đào tạo, chính sách... Dự án đã xây dựng được mạng lưới tái hòa nhập, hỗ trợ pháp lý - là dịch vụ thiết yếu, quan trọng trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương".

Yun Doyen, Giám đốc chương trình, Tổ chức Di cư quốc tế

Ngoài nỗi nhớ con, hậu quả của những lần bị chồng cũ bạo hành khiến chị ốm đau triền miên với các chứng bệnh về thần kinh. Không có việc làm, không có thu nhập, sức khỏe kém, chị phải sống dựa vào bố mẹ. Nỗi khổ tâm đó còn nhân lên gấp bội khi chị Hoa luôn bị áp lực từ những lời dị nghị, chê cười từ hàng xóm, người thân rằng, vì chị tham tiền nên mới đem con sang Hàn Quốc lần thứ hai.

Cuộc sống cứ mờ mịt như vậy đến khi chị biết thông tin về Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) Hải Phòng. Rụt rè, lo lắng là tâm trạng của chị Hoa những ngày đầu tiếp xúc với cán bộ Văn phòng. Kiên nhẫn, thường xuyên gọi điện thăm hỏi, tư vấn về sức khỏe, tâm lý, giới thiệu việc làm cho chị Hoa và gia đình, các cán bộ Văn phòng OSSO Hải Phòng dần trở thành người bạn đồng hành của chị Hoa trong hành trình tái hòa nhập. "Chúng tôi đã kết nối với Văn phòng Trung tâm chính sách nhân quyền Liên hiệp quốc Hàn Quốc (KOCUN), một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, để giúp đỡ chị Hoa", chị Lê Thị Thúy Hải, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Hải Phòng, phụ trách Văn phòng OSSO Hải Phòng, chia sẻ.

Bên cạnh những hỗ trợ trước mắt như tiền mua thuốc chữa bệnh, cán bộ Văn phòng còn hỗ trợ chị Hoa tìm địa chỉ nhà của chồng cũ tại Hàn Quốc. Đồng thời, hướng dẫn chị Hoa làm thủ tục ủy quyền cho KOCUN thực hiện rút phán quyết ly hôn bên Hàn Quốc để xem nội dung trong phán quyết ly hôn, chị Hoa có quyền lợi và trách nhiệm gì, từ đó tiếp tục tư vấn, hỗ trợ chị về quyền thăm con và giành quyền nuôi con.

Chị Hoa là một trong nhiều trường hợp di cư hồi hương được các Văn phòng OSSO hỗ trợ tái hòa nhập bền vững. Chính thức khai trương và vận hành từ tháng 10/2020, các Văn phòng OSSO tại Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương đã trở thành địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của những người di cư hồi hương, đặc biệt là phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

Các đại biểu tại triển lãm ghi lại hành trình 2 năm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, tháng 2/2021

"Kết quả hoạt động của dự án và Văn phòng OSSO thời gian qua vừa là sự cụ thể hoá các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như Chiến lược phát triển tổ chức Hội, vừa là minh chứng tin cậy để Hội thực hiện chức năng đại diện trong đề xuất chương trình, chính sách hoạt động can thiệp từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức cung cấp dịch vụ; đặc biệt, đưa ra khuyến nghị, đề xuất cho hoạt động của Dự án và dịch vụ cung cấp tại Văn phòng OSSO giai đoạn tới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhóm phụ nữ di cư".

Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam", tháng 12/2021

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm