pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia chỉ ra sai lầm khi tự điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân.
Nhiều trường hợp nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có nhiều trường hợp phải nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Mới đây nhất là bệnh nhi N.T.N. (7 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Gia đình cho biết, khoảng 2 ngày trước khi nhập viện, trẻ đột ngột xuất hiện rát đỏ, ranh giới rõ tại vùng da trên khuỷu tay phải sau khi ngủ dậy. Tổn thương nhanh chóng lan ra xung quanh, đồng thời xuất hiện thêm nhiều mụn mủ và tổn thương tương tự vị trí đối diện trên vùng da dưới khuỷu tay. Sau đó, trẻ có dấu hiệu trợt loét, hoại tử ở trung tâm tổn thương, đau rát nhiều nên gia đình đã đưa đến BV Da liễu TƯ khám. Sau khi khám kỹ lưỡng, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Một trường hợp khác là L.V.T. (19 tuổi, trú tại Hà Nội). Bệnh nhân cho biết có tiếp xúc với kiến ba khoang 3 ngày trước. Tuy nhiên, do chủ quan trước đó đã bị một lần, nên T. lấy thuốc cũ để bôi vào vết thương. Đến khi tổn thương trợt loét da, quá đau thì T. mới đến bệnh viện thăm khám.
Theo các bác sĩ, số ca đến khám và điều trị do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng so với các tháng trước. Nguyên nhân là bởi hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Còn theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ tháng 6 đến tháng 9/2022, đã có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám. Trong đó, riêng do viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang chiếm gần 50%.
Những sai lầm cần tránh
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, tùy từng bệnh nhân tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ có những tình trạng bệnh khác nhau. Có trường hợp bị tổn thương giới hạn ít, có những bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào gãi. Đặc biệt có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.
Tuy nhiên, nếu tự điều trị các bệnh nhân có thể bị nặng hơn do sai lầm. Trong đó, các sai lầm thường gặp như tự mua thuốc về uống và bôi. Khi đó, nhân viên quầy thuốc thường thì họ sẽ chẩn đoán nhầm với Zona nên cho bôi và uống Acyclovir, làm cho tổn thương lan rộng nhiều.
Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân không biết lại chà xát, cào gãi làm tổn thương ngày càng lan rộng, do chất dịch vết thương chảy ra đến đâu thì sẽ lan ra đến đó. Lại có những trường hợp rất nặng như ở vùng đuôi mắt, hoặc sưng nề đến mức nổi hạch. Cá biệt hơn, có những bệnh nhân chủ động bắt kiến ba khoang với hi vọng chữa được bệnh nấm da. Đây là điều sai lầm, bác sĩ Thùy cảnh báo.
Đặc biệt, các bác sĩ đã điều trị rất nhiều trường hợp nghe theo các bài thuốc dân gian truyền miệng gây hậu quả nặng nề. Ví như, bệnh nhân bắt rất nhiều kiến khoang, nghiền ra và đắp vào tổn thương vì nghĩ là sẽ khỏi nấm vùng bẹn. Tuy nhiên, toàn bộ vùng đùi, vùng sinh dục của bệnh nhân bị chợt loét, có những bệnh nhân đau, rát, sốt và nhiễm khuẩn máu. "Đây là điển hình cho việc độc tố của kiến khoang rất mạnh.
BS. Thùy khuyến cáo, để phòng kiến ba khoang, người dân cần hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.
Khi ngủ, người dân nên ngủ trong màn, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng. Chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Người dân nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.