pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiến ba khoang "tấn công" Hà Nội
Bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu TƯ (ảnh: Linh Trần)
Những ngày gần đây, nhiều người dân Hà Nội cho biết, đã phát hiện kiến ba khoang vào nhà, nhất là buổi tối. Chị Trần Thị Loan (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy ngày gần đây có nhiều kiến ba khoang vào nhà. Có ngày, chị và người thân bắt được hơn chục con kiến ba khoang trong nhà. "Kiến này rất độc, nó mà cắn thì nổ bọng nước nên vợ chồng tôi phải thường xuyên để ý, phát hiện thì diệt luôn kẻo bị cắn thì lại phải đi viện", chị Loan nói.
Tại BV Da liễu TƯ, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang. Bệnh nhân L.V.A. (ở Hà Nội) cho biết, sau khi ngủ dậy, 2 chân xuất hiện nhiều vết đỏ, loét, đau rát. Nghi ngờ do kiến khoang đốt, bệnh nhân tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc mỡ để bôi. Do các vết loét không đỡ, lại còn phồng rộp, bệnh nhân mới đến BV khám. Theo các bác sĩ, do bệnh nhân còn chà xát, cào gãi rất nhiều nên ngoài vị trí tổn thương ban đầu xuất hiện thêm các tổn thương dạng vệt ở xung quanh. Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại BV.
Tại BV Da liễu TƯ, có nhiều trường hợp bệnh nhân khác chỉ đến BV khi các tổn thương lan rộng hơn, chảy nước, đau nhức… sau khi đã tự điều trị mà không đỡ. Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn với zona thần kinh, sử dụng các loại lá để đắp lên vết thương, dẫn đến tổn thương không giảm mà tăng nặng hơn và lan ra các vị trí khác.
Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh (BV Da liễu TƯ) cho biết kiến khoang thường xuất hiện nhiều từ tháng 9 đến hết tháng 11 hàng năm. Đặc biệt, là tại các địa phương có tình trạng thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều.
Cũng theo bác sĩ Hà, cơ thể kiến khoang có chứa chất pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Sau 6-12 tiếng, vết đỏ sẽ cộm lên thành vệt, nổi mụn nước với kích thước không đều, từ 1-5mm. Sau 1-3 ngày, vết cộm sẽ trở nên phồng như bỏng nước hay mủ, người bệnh sẽ cảm giác đau, rát và rất khó chịu, thậm chí là ngứa. Nếu tình trạng nhiễm độc nặng sẽ kèm theo sốt, nổi hạch, đau vùng cổ, nách.
Theo bác sĩ Hà, khi bị kiến ba khoang đốt, cần dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị tổn thương, sau đó sử dụng mỡ corticoid bôi lên vết thương 4 - 6 lần/ngày, sử dụng kem Phenaegen 8 - 10 lần/ngày rồi đến BV để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.
Để phòng ngừa kiến khoang, người dân nến sử dụng đồ bảo hộ như đeo găng tay để bắt kiến, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch; kiểm tra kỹ lại vật dụng, giũ sạch trước khi sử dụng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến khoang ra ngoài nhà và tiêu diệt.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) người dân có thể hạn chế côn trùng bay vào nhà bằng buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí; ngủ trong màn, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng; chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng; thực hiện vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động.