Chuyên gia hướng dẫn biện pháp sơ cứu trẻ bị đuối nước

Linh Trần
03/06/2020 - 14:04
Chuyên gia hướng dẫn biện pháp sơ cứu trẻ bị đuối nước

Ảnh minh họa

Khi trẻ bị đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu hiện trường rất quan trọng nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết. Sau đây là hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), về kỹ năng sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước.

Chỉ trong 2 tuần trở lại đây, BV Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Trong đó, trường hợp trẻ 06 tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, suy hô hấp vì đuối nước. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt catheter động mạch, cho trẻ thở máy không xâm nhập N-SIMV.

Hiện tại 2 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ tỉnh, môi chi hồng, tiên lượng ổn định.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, mùa hè đến trẻ em được nghỉ hè, trẻ em không có người giám sát tự chơi ở những khu vực không an toàn. Bên cạnh đó mùa hè cũng là thời điểm nhiều gia đình, cơ quan tổ chức đi tắm biển, thanh niên rủ nhau đi chơi picnic, tắm ao, hồ, sông, suối...làm nguy cơ bị đuối nước tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tư vấn, khi trẻ bị đuối nước, người thân cần thực hiện các biện pháp sau:

1) Gọi người xung quanh đến hỗ trợ.

2) Ưu tiên xác định được tình trạng ngừng tuần hoàn để tiến hành hồi sinh tim phổi càng sớm càng tốt, nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ.

3) Thổi ngạt bằng cách hít một hơi thật sâu rồi ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại lần thứ 2, việc này cần phải tiến hành ngay khi có thể, khi nạn nhân đã được kéo đến chỗ nông hơn, ít nguy hiểm hơn, khi chân người cứu chạm đất.

4) Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau 2 lần thổi ngạt đủ mạnh làm ngực phồng lên thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bờ, đặt cườm tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tốc độ nhanh 120 lần/phút; cứ sau 30 lần ép tim như thế, thổi ngạt 2 lần. Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất. Phải làm liên tục cho đến khi có đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ.

5) Cởi bỏ quần áo ướt.

6) Làm ấm cơ thể nạn nhân.

7) Tập trung cấp cứu nạn nhân liên tục, kiên trì hàng giờ. Người thân chỉ chuyển nạn nhân đến BV khi đã thở trở lại, khi tuần hoàn được tái lập. Vận chuyển bằng xe chuyên dụng, kể cả người đã tự thở vẫn có nguy cơ suy hô hấp sau đó do nước đã vào phổi, nên vẫn phải vận chuyển vào BV.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm