Những kiến thức sơ cứu và phòng tránh đuối nước

zknight
03/06/2020 - 07:42
Những kiến thức sơ cứu và phòng tránh đuối nước
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, chỉ riêng năm 2019 đã có gần 3.000 trẻ em Việt Nam chết vì đuối nước.

Ba học sinh tử vong khi tắm suối ở Gia Lai. Hai chị em ruột tử vong sau khi tắm hồ ở Nghệ An. Một bé trai vẫn đang trong tình trạng nguy kịch do ngã xuống đầm ở Quảng Ninh. Trong vòng hai tuần qua, Việt Nam liên tục ghi nhận những ca tai nạn liên quan đến đuối nước khi vào hè.

Một nghiên cứu của Đại học Y tế Cộng đồng cho thấy tai nạn đuối nước ở Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 5 đến hết tháng 8. Thống kê của Bộ Y tế cho biết, chỉ riêng năm 2019 đã có gần 3.000 trẻ em Việt Nam chết vì đuối nước. Đây là con số cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp mười lần các nước phát triển.

Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà. Các tai nạn đuối nước thường xảy ra âm thầm, vì nạn nhân không thể kêu cứu. Một người trưởng thành mất 60 phút để bị đuối nước, trong khi đó, trẻ em chỉ mất 20 giây để bị nhấn chìm.

Trang bị các kiến thức về đuối nước là đặc biệt quan trọng để phòng ngừa cho bản thân và con em bạn.

1. Đuối nước là gì?

Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước: Hãy trang bị ngay kiến thức sơ cứu và phòng tránh - Ảnh 1.

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Khi được giải cứu kịp thời, nạn nhân đuối nước có thể còn sống, nhưng vẫn phải chịu đựng các triệu chứng hô hấp, nôn mửa, nhầm lẫn hoặc bất tỉnh.

Khi không thể giải cứu, nạn nhân đuối nước được gọi là chết đuối. Thống kê cho thấy trong vòng 0-5 phút khi mũi và miệng chìm dưới nước, cơ hội cứu sống một người đuối nước lên tới 90%.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nhanh xuống chỉ còn 44% trong 5 phút tiếp theo. Khi nạn nhân đuối nước không được giải cứu sau 11-25 phút, tỷ lệ cứu sống chỉ còn 12% và trên 25 phút gần như bằng 0.

Trái với mọi người nghĩ, không phải toàn bộ nạn nhân chết đuối đều do nước tràn vào phổi. Có khoảng 20% các vụ đuối nước khiến nạn nhân bị chết đuối khô. Đó là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước hoảng sợ.

Cơ thể họ tạo ra phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại ngăn nước vào phổi. Nhưng đồng thời, khí quản đóng cũng ngăn oxy được hít vào và cơ thể trữ cacbonic khiến não chết và gây tử vong.

2. Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước

Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước: Hãy trang bị ngay kiến thức sơ cứu và phòng tránh - Ảnh 2.

Mùa cao điểm đuối nước ở Việt Nam rơi vào 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8: Đây là số liệu từ nghiên cứu thống kê 31.232 ca đuối nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2013.


Thống kê cho thấy tai nạn đuối nước tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa hè, cao điểm trong tháng 5 đến tháng 8. Đây là thời gian nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ do được nghỉ học và không có sự giám sát của cha mẹ.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thương tính ở trẻ em. Trong năm 2019, thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm 45% tổng số ca tử vong do tại nạn.

Có nhiều yếu tố góp phần vào những con số này, bao gồm:

- Việt Nam có diện tích mặt nước lớn, trong đó có 2.000 km đường bờ biển cùng với nhiều ao hồ, sông suối.

- Giáo dục an toàn bơi lội còn hạn chế. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 30% trẻ em Việt Nam biết bơi.

- Trẻ em thường không được giám sát khi cha mẹ phải làm việc, đặc biệt là trong những ngày nghỉ học.

- Khoảng 50% dân số sống ở khu vực nông thôn nơi có những cánh đồng lúa lớn và những vùng nước khác gần nhà không được rào chắn.

3. Sơ cứu khi bị đuối nước

Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước: Hãy trang bị ngay kiến thức sơ cứu và phòng tránh - Ảnh 3.

Nguyên tắc đầu tiên trong sơ cứu đuối nước, đó là phải đưa được nạn nhân lên khỏi mặt nước và giải phóng đường thở. Nếu phát hiện nạn nhân đuối nước, chúng ta có thể ném cho họ các dụng cụ cứu sinh như phao, khúc gỗ và tìm người biết bơi để giúp họ. Tuyệt đối không nhảy xuống cứu người đuối nước khi không biết bơi.

Ngay cả những người biết bơi khi cứu người đuối nước cũng phải đặc biệt lưu ý. Nạn nhân đuối nước rất hoảng loạn và sẽ bám víu hoặc dìm người giải cứu xuống. Do đó, mục tiêu là phải khống chế hoặc trấn tĩnh được họ. Giữ đầu nạn nhân lên trên mặt nước để họ có thể thở, sau đó dần dần dìu vào bờ.

Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, sau khi vào bờ cần thực hiện ngay các bước sơ cứu:

- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt cứng.

- Khai thông đường thở cho nạn nhân, móc đờm dãi, dị vật, cát sỏi ra khỏi miệng.

- Hà hơi thổi ngạt đồng thời nhấn tim ngoài lồng ngực (100 lần/phút).

- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

• Lưu ý với trẻ nhỏ khi hà hơi thổi ngạt cần thực hiện chậm rãi. Đới với trẻ dưới 1 tuổi, ấn tim ngoài lồng ngực được thực hiện bằng cách dùng 2 ngón tay cái nhấn vào vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay. Đối với trẻ 1-8 tuổi, chỉ dùng 1 bàn tay nhấn vào trên mỏm ức 2 đốt. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.

- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

4. Những điều không nên làm khi sơ cứu đuối nước

Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước: Hãy trang bị ngay kiến thức sơ cứu và phòng tránh - Ảnh 4.

Bởi khoảng thời gian vàng để giữ lại mạng sống cho người đuối nước là rất ngắn, việc sơ cứu cần thực hiện ngay không do dự. Thay vì luống cuống gọi xe cấp cứu hoặc người giúp đỡ ở xa, bạn cần trang bị sẵn kiến thức sơ cứu và nhớ lại chúng để thực hiện.

Một số lưu ý cần nhớ khác là những điều không nên làm. Chẳng hạn, nhiều người nghĩ rằng việc đầu tiên khi sơ cứu là phải cố gắng dốc nước ra khỏi phổi nạn nhân bằng cách xốc ngược hoặc vác vai chạy vòng. Nhưng thực tế việc này rất mất thời gian có thể khiến thời gian vàng sơ cứu trôi qua.

Nghiên cứu cho thấy chỉ từ 3 đến 5 phút thiếu oxy đã có thể khiến nạn nhân đuối nước chết não. Trong khi đó, nếu thực hiện sơ cứu đúng cách, nước sẽ tự động trào ra khỏi phổi nạn nhân.

Ngoài ra, một lưu ý thứ hai là khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.

5. Phòng ngừa tai nạn đuối nước

Việt Nam đang vào mùa cao điểm đuối nước: Hãy trang bị ngay kiến thức sơ cứu và phòng tránh - Ảnh 5.

Đuối nước là một tai nạn có thể phòng ngừa được. Thống kê cho thấy tới 85% các vụ đuối nước có thể ngăn chặn bằng cách giám sát, đào tạo kỹ năng bơi lội, công nghệ và giáo dục cộng đồng.

Một số biện pháp cần làm để giảm thiểu và ngăn ngừa tai nạn đuối nước bao gồm:

- Giám sát: Mọi hoạt động liên quan đến nước, không cứ bơi lội cần phải được giám sát, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các bể bơi, khu vực vui chơi dưới nước cần phải có nhân viên giám sát và cứu hộ. Cha mẹ khi giám sát trẻ tiếp xúc với nước không được rời mắt để đọc sách, xem điện thoại hay tán gẫu. Một em bé có thể chết đuối trong bồn tắm, trong nhà vệ sinh hoặc thậm chí trong một cái xô nhỏ chứa 3 cm nước.

- Học bơi: Đây là một trong những kỹ năng sinh tồn mà trẻ cần được học từ nhỏ. Nếu chưa biết bơi, người trưởng thành cũng cần phải học bơi.

- Đào tạo sơ cứu: Giáo dục sơ cứu đuối nước trong trường học và cộng đồng, để nâng cao tỷ lệ cứu sống người bị đuối nước.

- Rào chắn, cấm và cảnh báo các khu vực như ao, hồ, sông suối… có nguy cơ gây tai nạn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm