pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia lý giải hiện tượng nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine
Đến nay đã có hơn chục triệu người được tiêm vaccine COVID-19 (ảnh: Vaccine của công ty Pfizer-BioNTech)
Đến nay, đã gần 1 tháng kể từ khi các liều vaccine đầu tiên của công ty Pfizer-BioNTech được tiêm một cách đại trà và tiếp theo sau đó là vaccine của Moderna. Những người được nhận các liều vaccine đầu tiên này chủ yếu là những người ở tuyến đầu chống dịch và những người ở nhóm nguy hiểm như người lớn tuổi ở viện dưỡng lão. Số người được tiêm các vaccine này đã là hơn chục triệu người ở các nước mà Bộ Y tế cấp phép cho sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như Anh, Canada và Mỹ. Riêng Mỹ, cho đến nay đã có trên 4 triệu người đã được tiêm ngừa COVID-19.
Trong số hàng chục triệu người đã chích vaccine thì chỉ có trên dưới chục trường hợp người được chích có phản ứng phụ cần được chăm sóc y tế và tất cả đều khỏe lại trong ngày. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân xảy ra các phản ứng phụ này và nhiều nghi ngờ được cho là liên quan đến thành phần nanoparticle có trong vaccine dùng để ổn định vật liệu di truyền mRNA. Tuy nhiên, dựa trên số lượng người xảy ra phản ứng phụ và độ nặng của các phản ứng phụ thì nói chung các vaccine này là an toàn.
Ngoài ra, gần đây có một số trường hợp xảy ra làm mọi người ngạc nhiên đó là có một số người sau khi tiêm vaccine lại bị nhiễm bệnh COVID-19 sau đó. Ví như Matthew là một y tá làm ở phòng cấp cứu trong BV ở San Diego (Mỹ). Anh được tiêm vaccine liều đầu tiên của công ty Pfizer vào ngày 18/12/2020. Anh cảm thấy đau ở cánh tay được tiêm trong 1 ngày sau đó. Đến ngày 24/12 (tức 6 ngày sau khi được tiêm), anh cảm thấy không khỏe trong người với các triệu chứng của bệnh COVID-19 như mệt mỏi, lạnh, đau nhức người. Hai ngày sau đó, anh đi kiểm tra thì phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra đối với người được tiêm vaccine chỉ sau một thời gian ngắn. Do đây là vaccine có vật liệu di truyền mRNA nên khi vào cơ thể người được tiêm cần thời gian để được tổng hợp thành protein S. Sau đó, tế bào miễn dịch cần thời gian để "tiếp xúc", "học nhận biết" protein này để biết "mặt mũi" của virus nCoV là như thế nào qua protein S.
Nói chung, sau khi chích thì cần một khoảng thời gian ít nhất 10 ngày để hệ miễn dịch bắt đầu kích hoạt các hoạt động bảo vệ cơ thể và cần một liều thứ 2 để kích hoạt hệ miễn dịch bảo vệ ở mức cao nhất. Đối với vaccine của công ty Pfizer-BioNTech hiệu quả bảo vệ sau liều đầu tiên là khoảng 52% và sau liều thứ 2 là trên 90%.
Trở lại trường hợp y tá Matthew, anh bắt đầu có các triệu chứng bệnh COVID-19 sau 6 ngày tiêm vaccine. Điều này có nghĩa là anh đã bị nhiễm virus khoảng 2 hoặc 5 ngày trước đó, tức khoảng 1 hoặc 4 ngày sau khi chích vaccine liều đầu tiên. Khoảng thời gian này không đủ để giúp cơ thể anh kích hoạt bất cứ phản ứng bảo vệ nào.
Do vậy, sau khi tiêm vaccine, nhất là sau liều đầu tiên vẫn cần rất cẩn thận phòng ngừa lây nhiễm như lúc chưa được tiêm đừng ỷ lại vì vaccine cần thời gian để kích hoạt và cần liều thứ 2 để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tuần này, một vaccine khác của hãng Oxford-AstraZeneca cũng đã được cho phép sử dụng khẩn cấp ở Anh. Khác với 2 vaccine được cho sử dụng trước đó với vật liệu di truyền mRNA, vaccine của hãng Oxford-AstraZeneca sử dụng một virus tên là adenovirus mang gene mã hóa cho protein S của virus nCoV với hiệu quả bảo vệ khoảng 70%.
Sự xuất hiện của các biến chủng virus mới với tốc độ lây lan cao hơn có thể làm cho tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nhưng may mắn là đến bây giờ vẫn chưa cho thấy sự biến đổi nào của virus có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine. Hy vọng là tốc độ phát triển vaccine cả về chất lượng và số lượng sẽ giúp đẩy lùi được đại dịch này trong thời gian sắp tới.
Trước tình hình còn một số người nghi ngờ về vaccine hoặc chọn việc tin vào các thuyết âm mưu về các công ty sản xuất vaccine thì mình khuyên mọi người "trong vùng dịch" nên tiêm vaccine COVID-19 ngay khi có thể. Dù vậy, người dân nên tiêm những vaccine được "cho phép" bởi các "tổ chức y tế đáng tin cậy.