pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam đàm phán với đối tác của 4 nước mua vaccine phòng chống Covid-19
Hiện nay, các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất có loại 65%, cao nhất đến 94,5%, trung bình là từ 80-90%. Ảnh minh họa KT
Tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề thông tin về Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ diễn ra sáng nay (4/1), Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Về việc mua vaccine, hiện nay, Bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước: Một là Anh có vaccine của Công ty AstraZeneca, hai là Mỹ có vaccine của Công ty Pfizer, thứ ba là Nga có vaccine Sputnik 5 và thứ tư là Trung Quốc.
Tất cả các đơn vị nêu trên đều yêu cầu ký một biên bản bảo mật thông tin. Theo Thứ trưởng Cường, kết quả gần nhất chúng tôi đạt được là chúng ta đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh. Theo đó, họ đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều. Theo lộ trình thì quý I, quý II, quý III, quý IV đều có vaccine.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ để làm sao người dân sớm tiếp cận được vaccine và có sự giám sát rất chặt chẽ của các bộ, ngành.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Với Mỹ cũng vậy, Công ty Pfizer cũng theo lộ trình và giai đoạn cuối cùng của hợp đồng là đến quý IV/2021.
"Còn riêng Nga thì chúng tôi đang đàm phán để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại công ty trực thuộc Bộ Y tế", ông Trương Quốc Cường nói.
Các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, mức trung bình là 80-90%
Trước vấn đề báo giới nêu ra về lộ trình mua vaccine của Việt Nam như thế nào, chúng ta đang đàm phán với đối tác nào, khi nào lô đầu tiên về Việt Nam, chi phí hết bao nhiêu, theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, cho đến nay, còn nhiều yếu tố đặt ra. Ngoài việc cung cấp, thì giá bán các vaccine chênh nhau không nhiều, phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, điều kiện thanh toán cũng như giao hàng.
"Hiện nay, các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất có loại 65%, cao nhất đến 94,5%, trung bình là từ 80-90%", ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên phải xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ để làm sao người dân sớm tiếp cận được vaccine và có sự giám sát rất chặt chẽ của các bộ, ngành.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm: Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có tổ chức gọi là COVAX Facility, là một liên minh vaccine toàn cầu. Họ mua vaccine của một số công ty để cung cấp cho 90 nước, trong đó có Việt Nam, được tham gia vào chương trình này và được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% người dân với giá rẻ nhất có thể và được bù lỗ.
Tuy nhiên, các nước sản xuất vaccine cũng đang chưa chủ động được vì năng lực sản xuất chưa đủ để sản xuất với số lượng lớn.