Chuyện tình thời chiến của một "tiểu thư lá ngọc cành vàng"

23/07/2017 - 07:22
10 năm chịu đòn tra tấn trong ngục tù, 10 năm chờ đợi một tình yêu, ngày họ nên duyên vợ chồng là ngày đất nước được giải phóng. Tình yêu của họ chưa bao giờ tách rời tình yêu Tổ quốc.
Đó là chuyện tình của hai cựu tù chính trị Côn Đảo là ông Trương Thanh Danh và bà Lê Tú Cẩm (quận 7, TPHCM). Họ đã đi cùng nhau đoạn đường dài hơn 40 năm, cùng nắm tay vượt qua mọi gian nan giống như câu chuyện cổ tích được viết nên bằng sự chung thủy và tình yêu nước nồng nàn.

Ông Trương Thanh Danh sinh năm 1943, quê gốc ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ông từng tham gia lực lượng võ trang, chiến đấu khu vực trong nội thành. Là một trong những cán bộ chính trị nòng cốt của Cách mạng.

Còn bà Lê Tú Cẩm, người con gái gốc nội thành TPHCM, là học sinh của trường Gia Long (bây giờ là trường Minh Khai). Vừa học và vừa hoạt động Cách mạng bí mật, là một trong số thanh niên yêu nước thời bấy giờ.

a1.jpg
Ông Trương Thanh Danh và bà Lê Tú Cẩm . Ảnh: PT


Ông Danh kể rằng: Mặc dù chưa biết mặt nhau nhưng ông đã mến mộ khí phách của người con gái nhỏ hơn mình 9 tuổi qua lời giới thiệu của một người bạn. Bà là con trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha mất sớm, mẹ bà ở vậy thờ chồng nuôi con. 

Bà cũng được xem là “tiểu thư lá ngọc cành vàng”, có điều kiện để tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, bà chấp nhận hy sinh chịu đựng gian khổ đi theo con đường Cách mạng, góp phần nhỏ bé đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Với lý tưởng cao đẹp đó, người con gái tên Tú Cẩm đã in đậm trong trái tim ông mãi mãi về sau.

Ở cái tuổi ngoài 70, nhưng ông Danh vẫn nhớ như in những lần gặp mặt đầu tiên với người yêu. Ông kể rằng, trên đường đi công tác về, vô tình ông và bà gặp nhau trên một con đường nhỏ. Đó là lần đầu tiên ông được nhìn trực diện người con gái thầm thương trộm nhớ. Đôi mắt đẹp, đen to của bà cuốn hút ông đến tận bây giờ.

“Lần đầu nhìn trực diện người thương tôi rất hồi hộp. Bà ấy lúc đó quấn khăn rằn che kín cả khuôn mặt dù chỉ nhìn được đôi mắt nhưng trong lòng xao xuyến lạ thường. Vì ngại ngùng nên cả hai đều làm ngơ, tôi cũng tỏ ra không quen biết và đạp xe đi thẳng. Đi một đoạn xa, tôi mới ngoảnh lại nhìn trộm”, ông Danh bộc bạch.

Một kỷ niệm cũng khá đậm sâu đối với ông bà là lần đầu ông chở bà đi học lớp chỉnh huấn tại căn cứ. Mọi người đi bộ. Vì bận công việc nên ông không đi cùng đoàn mà đạp xe theo sau. Vì chân yếu nên bà Tú Cẩm đã được ông chở giúp. Trong thời gian 10 ngày đi học chung căn cứ (tỉnh Bình Dương) là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với ông.

Tháng 9/1965, ông bị Mỹ Ngụy bắt giam, tra tấn cùng cực. Năm 1967 tòa tuyên án ông chịu mức án cao nhất - tử hình. 17/11/1967 là ngày thi hành án tại nhà lao Chí Hòa. Quay sang nhìn bà Tú Cẩm, bà cũng kể thêm: Lúc nhận được tin ông bị xử mức an cao nhất, tim bà như nghẹt thở. Ông chưa bao giờ nói lời yêu thương hay hứa hẹn với bà, nhưng tình cảm của ông, bà đã cảm nhận được. Bà yêu khí phách hiên ngang của một thanh niên yêu nước, yêu ý chí kiên cường của ông.

Trước ngày thi hành án, Đài tiếng nói Việt Nam ngoài Hà Nội tuyên bố nếu bắn 3 thanh niên yêu nước (trong đó có ông) thì ngoài Hà Nội sẽ bắn các phi công Mỹ, vì thế bản án hoãn lại vô thời định.

Cùng thời gian năm 1967, bà Tú Cẩm cũng bị bắt giam vào tù. Trải qua nhiều nhà lao, trải qua nhiều đấu tranh gian khổ, năm 1974, bà và các nữ tù chính trị khác được trao trả khỏi nhà tù Côn Đảo. Còn ông Danh đến năm 1975 mới đươc thả khỏi tù.

Cuối năm 1975, hai người quyết định kết hôn. 3 ngày sau khi cưới thì bà Tú Cẩm được tổ chức chọn cho ra Hà Nội học lớp tuyên huấn trong thời gian 3 năm. Tình yêu của họ tiếp tục bị chia cách vì công việc chung của đất nước, mọi liên lạc chính đều trao qua thư tay. Đến năm 1978, ông bà sinh người con trai  đầu lòng.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông và bà được phân công qua nhiều chức vụ quan trọng. Đến năm 1992, ông về làm ở Sở Thương mại TPHCM đến khi nghỉ hưu. Còn bà Lê Tú Cẩm từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM.

Ông Danh chia sẻ: “Mẫu người yêu lí tưởng thời đó phải là người hết mình vì việc nước. Ngay cả khi bị bắt cũng phải giữ gìn khí tiết của mình, tuyệt đối không khai ra bí mật. Khi ngồi trong song sắt, tôi chấp nhận hy sinh vì Cách mạng, vì nhân dân, vì cả tình yêu. Thà hy sinh để xứng đáng với người yêu của mình chứ nhất định không sống trong hèn hạ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm