Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ

Minh Châu
12/07/2023 - 18:00
Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ

Một góc Bản Tèn

Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, Bản Tèn, xã Văn Lăng là bản vùng cao và xa nhất của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Với 100% là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống của người dân Bản Tèn vẫn đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, nơi đây đang xuất hiện những gam màu tươi sáng.

Hộ nghèo chiếm tỷ lệ tuyệt đối

Trong chiếc áo đồng phục của học sinh cấp 2, thật khó tin rằng cô gái có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn Ngô Thị Pha đã là bà mẹ của 2 đứa con. Pha kể, em lấy chồng từ năm học lớp 9, khi đó em chưa tròn 15 nên giờ con lớn của Pha đã gần 5 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. 

Phải nuôi 2 con nhỏ, trong khi sức khỏe yếu nên bao năm nay Pha chỉ ở nhà nuôi con. Một mình chồng là Vương Văn Pình - hơn Pha 4 tuổi, làm lụng, nuôi sống cả gia đình. Cũng như hầu hết các hộ dân ở Bản Tèn, xã Văn Lăng, nhà Pha rất nghèo. Căn nhà gỗ theo kiểu truyền thống của người Mông bên trong trống trơn, không có thứ gì đáng giá.

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 1.

Mới 20 tuổi nhưng chị Ngô Thị Pha đã là bà mẹ 2 con

Trưởng xóm Bản Tèn – ông Vương Văn Chinh, cho biết: Bản Tèn hiện có 153 hộ dân, có 5 hộ cận nghèo còn lại là hộ nghèo, có hộ vẫn thiếu ăn đến 5-6 tháng/năm. Theo ông Chinh, người Mông đã định cư trên lưng chừng núi này từ năm 1979. Vì địa bàn hiểm trở nên hàng chục năm trời, họ phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ đường. 

Trước đây người dân phải cõng ngô đi bộ hơn 10km ra tận trung tâm xã để bán, mua thức ăn. Kể từ khi đường đến bản được cứng hóa và có điện lưới, cuộc sống của người dân đã "sang trang" mới. Mặc dù đường lên Bản Tèn vẫn rất dốc, người dân ở đây thường phải "độ" lại những chiếc xe máy để leo nhưng giờ người Mông trên này đã dễ dàng thông thương với bên ngoài. 

Trẻ em đi học thuận tiện hơn trước rất nhiều, người dân trong xóm đã xuống núi, tìm đến với các đô thị để làm công nhân, một diện mạo mới với những gam màu tươi sáng đã mở ra với bản cao nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 2.

Những ngôi nhà nghèo khó, chênh vênh bên bờ suối

"Nói là thay đổi nhưng Bản Tèn vẫn nghèo. Tình trạng tảo hôn vẫn còn dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều, thậm chí là đưa ra quy định ai vi phạm sẽ phạt, thực tế chẳng phạt ai. Hiện nhiều người dân vẫn sinh con tại nhà vì thói quen từ trước đến nay vẫn vậy. Hơn nữa, do cuộc sống khó khăn nên ai cũng ngại đi viện vì sợ tốn kém", ông Chinh nói về những khó khăn của bản mình.

Thế nhưng, điều trưởng xóm Bản Tèn đang băn khoăn nhất là hiện vẫn còn nhiều hộ dân sống bất an bên bờ suối vẫn chưa thể di dời. Đây cũng là nỗi lo lớn nhất của các hộ dân khi mùa mưa bão đã đến. 

Chị Dương Thị Cô (24 tuổi), một hộ dân sống ngay bên bờ suối, ngay đầu Bản Tèn cho biết: "Gia đình tôi đã nhiều lần bị lũ cuốn trôi hết đồ đạc trong nhà. Mỗi lần mùa mưa đến, thấy nước dâng lên là cả nhà lập tức đi lánh nạn. Có nhiều lúc đang đi làm trên nương, thấy mưa to là phải chạy về nhà ngay để di chuyển đồ đạc, mùa này sống vô cùng bất an".

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 3.

Chị Cô (bên phải) rất lo lắng khi mùa mưa bão đang đến.

Bản Tèn có một thung lũng khá bằng phẳng nhưng quỹ đất ít nên những hộ lập gia đình sau này như chị Cô không còn chỗ. Dựng nhà trên cao sợ gió nên chị Cô và nhiều hộ khác chọn ở dưới thấp nhưng lại đối diện với nguy cơ lũ quét.

Mấy năm gần đây mỗi lần mưa nước suối dâng cao nên gia đình chị Cô cũng như nhiều hộ khác đã tính đến phương án di dời. Khổ nỗi, là hộ nghèo cuộc sống lo ngày 3 bữa ăn chưa xong, tiền đâu để chuyển nhà. "Chúng tôi mong trong thời gian tới sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống, yên tâm sinh sống và lao động, sản xuất", chị Cô chia sẻ.

Những tia sáng ở Bản Tèn

Cách trung tâm huyện Đồng Hỷ khoảng 28km và cũng chỉ cách UBND xã Văn Lăng khoảng 15km nhưng Bản Tèn từng là địa danh nổi tiếng "bất đắc dĩ" của tỉnh Thái Nguyên bởi đòi nghèo, khốn khó. Trước đây, Bản Tèn là bản "4 không" (không điện, không đường, không trường, không trạm). Dù không quá xa trung tâm xã nhưng muốn đến với bản người Mông này, chỉ có một con đường mòn duy nhất với đá lổn nhổn và dốc cao dựng đứng.

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 4.

Nhờ con đường bê tông, các thương lái giờ đã mang hàng đến tận Bản Tèn bán cho người dân

Bao năm vẫn bám trụ trên đỉnh núi nên người Mông ở Bản Tèn sống trong cảnh đói nghèo, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường đầy đủ, nạn tảo hôn, đẻ nhiều… đã trở thành nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, Bản Tèn nay đã khác rất nhiều. Con đường mòn độc đạo cao đến mức "thúc gối vào ngực" giờ đã được trải bê tông phẳng lỳ.

Điểm trường được xây dựng khang trang. Những tập quán lạc hậu, không còn phù hợp cũng dần được xóa bỏ, tảo hôn còn rất ít. Thế nhưng, dù đã có nhiều thay đổi nhưng đói nghèo thì vẫn cứ bám riết lấy người dân như con ma rừng khó đuổi.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – PCT UBND xã Văn Lang cho biết, trên địa bà xã tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 1/3 dân số. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến 47%, tập trung nhiều nhất ở xóm Bản Tèn và Liên Phương. 

Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng theo bà Nguyệt, những năm gần đây bà con trong xã đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực học hỏi phương pháp sản xuất mới, riêng Bản Tèn cũng đã có những bước tiến rõ rệt.

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 5.

Những em nhỏ ở Bản Tèn giờ đã được đi học ở ngôi trường khang trang gần nhà

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn như bà con thiếu nước sản xuất, ruộng chỉ cấy lúa một vụ trong năm, trình độ dân trí, sản xuất, kỹ thuật canh tác đều thấp nhưng là địa bàn xa nhất, khó khăn bậc nhất nên nhiều năm qua Bản Tèn cũng nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của chính quyền địa phương.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh, chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nói chung và Bản Tèn nói riêng cùng chung tay tham gia, giúp bà con thay đổi nhận thức trong nếp sống sinh hoạt và lao động sản xuất.

Bản Tèn nằm ở điểm cao hơn hẳn so với các vùng lân cận, bao bọc những ngôi nhà truyền thống của người Mông nơi đây là cánh rừng tự nhiên, những dãy núi đá hùng vĩ. Nơi đây cũng sở hữu cánh đồng ruộng bậc thang rộng đến hơn 10ha và bãi đá nghiêng đẹp nức tiếng. Bản Tèn hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý, cảnh quan, văn hóa để trở thành bản du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa trải nghiệm.

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 6.

Thiếu nữ Vương Thị Xuân (bên trái) nhiều năm nay đã xuống Bắc Ninh làm công giúp gia đình cải thiện cuộc sống

Những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đều tổ chức ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông tại Bản Tèn nhằm tôn vinh, bảo tồn, quảng bá vùng đất, con người, bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây, góp phần thu hút khách du lịch, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Được biết, huyện Đồng Hỷ đang tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xã Văn Lăng theo hướng xây dựng Bản Tèn là điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa đồng bào người Mông. Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào kế hoạch xây dựng và triển khai Dự án "Phát triển đa dạng sinh kế cho cộng đồng người Mông tại xóm Bản Tèn".

Chuyện về những người Mông ở lưng trời Đồng Hỷ - Ảnh 7.

Bản Tèn có những thửa ruộng bậc thang rất đẹp và được kỳ vọng trở thành bản du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa. Ảnh thainguyen.gov.vn

Dự án cũng hướng đến hình thành tổ chức kinh tế phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích, nâng cao năng lực cho cộng đồng về kỹ thuật sản xuất, chế biến, dịch vụ, tiếp cận thị trường trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng hồ sơ một số sản phẩm từ đa dạng sinh kế mang thương hiệu Bản Tèn như rau, ngô, thịt lợn, mật ong, du lịch Bản Tèn.

Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ khẳng định sẽ tích cực phối hợp triển khai Dự án một cách đồng bộ, bài bản, khoa học, hiệu quả và chất lượng. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, hi vọng một ngày không xa đời sống của người dân sẽ ấm no. Bản Tèn sẽ trở thành địa danh du lịch nổi tiếng ở phía Bắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm