pnvnonline@phunuvietnam.vn
CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trường THCS Lùng Phình: Cơ hội thay đổi bản thân của học sinh dân tộc thiểu số
CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trường THCS Lùng Phình
Chiều 15/12, tại Hội nghị sơ kết Dự án 8 của Hội LHPN Việt Nam, thầy giáo giáo Phạm Hữu Trượng - giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lùng Phình, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, hiện là dẫn trình viên của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi của trường đã chia sẻ về mô hình "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lùng Phình được lựa chọn là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương về thành lập và hoạt động “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi” trên toàn quốc. Trường đóng tại huyện vùng cao Bắc Hà của tỉnh Lào Cai. Các em học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau nhưng hầu hết đều có chung những khó khăn nhất định như: đường từ nhà đến trường thường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm…
Căn cứ vào tình hình thực tế và đơn tham gia của các em, nhà trường đã lựa chọn được 30 em tham gia vào CLB, gồm 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam, từ khối 6 đến khối 9, trong đó có 5 em tham gia vào Ban chủ nhiệm CLB. Toàn bộ các em tham gia CLB đều là người dân tộc thiểu số.
Thầy giáo Phạm Hữu Trượng cho biết, CLB được thành lập, thực sự là một cơ hội cho các em có thể "thay đổi bản thân mình". Tham gia vào CLB, các em được tìm hiểu về các kiến thức như: Quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng… Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình; thể hiện năng khiếu của bản thân như: Vẽ, đóng kịch… Các em hăng hái tham gia và nhiều em đã có sự thay đổi tích cực.
"Trước đây, các em rất rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, không dám nói trước đám đông; nhiều em chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể xảy ra. Bây giờ, sau 2 kỳ sinh hoạt CLB, một số em đã biết chuẩn bị và trình bày một vấn đề. Trước mỗi kỳ sinh hoạt CLB, các em đã biết trao đổi với Dẫn trình viên về chủ đề và các phương án tổ chức hoạt động của buổi sinh hoạt" - thầy Trượng cho biết.
Tuy nhiên, theo thầy Phạm Hữu Trượng, hoạt động của CLB còn có một số những hạn chế như: Tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt của câu lạc bộ còn thiếu. Dẫn trình viên cũng như các thành viên trong Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn chưa có nhiều kĩ năng tổ chức điều hành sinh hoạt. Trong quá trình sinh hoạt, một số em vẫn còn e dè, chưa chủ động tham gia hoạt động nên sự thay đổi của các em còn chưa nhiều.
"Để khắc phục hạn chế, bản thân tôi cũng thường xuyên tìm hiểu tài liệu, kiến thức, học tập những phương pháp sinh hoạt, cách thức điều hành để có thể hỗ trợ các em trong các hoạt động, giúp buổi sinh hoạt đạt hiệu quả tốt nhất. Thời gian tới, tôi và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ cố gắng xây dựng kế hoạch, nội dung phù hợp nhất với đặc thù của học sinh vùng cao, những vấn đề cấp bách nhất mà học sinh nhà trường gặp phải, đồng thời tích cực đổi mới hơn nữa cách thức tổ chức sinh hoạt để thu hút sự tham gia hơn nữa của thành viên câu lạc bộ" - thầy giáo Phạm Hữu Trượng cho hay.
Học sinh tự tin trình bày sau khi tham gia CLB