pnvnonline@phunuvietnam.vn
1 năm triển khai Dự án 8: Đã thành lập được 1.320 tổ truyền thông cộng đồng, 206 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi
Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HY
Báo cáo kết quả triển khai Dự án 8 năm 2022, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Dự án 8 triển khai thực hiện 4 nội dung với 16 nhóm hoạt động cụ thể. Trong năm, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực, phát huy vai trò cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8 và đã đạt một số kết quả bước đầu ở từng nội dung.
Tại Trung ương
Nhìn chung, các hoạt động của Dự án 8 năm 2022 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của Dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động theo kế hoạch tại cấp Trung ương cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Tại địa phương, Hội LHPN và các cấp chính quyền, các ngành liên quan đã nỗ lực, trách nhiệm thực hiện đạt được một số kết quả tích cực bước đầu triển khai Dự án. Các mô hình, hoạt động triển khai đã được người dân đón nhận, ủng hộ ủng và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao".
Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh
Các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức các sự kiện truyền thông, giới thiệu, vận động về Dự án như: Sự kiện "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số"; thực hiện các talkshow trao đổi về những vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hội chợ "Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các chương trình, chuyên trang/chuyên mục trên các kênh truyền thông địa chúng như mở chuyên trang "Vì nụ cười phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi" trên ấn phẩm chính của Báo phụ nữ Việt Nam; phim về phụ nữ dân tộc Brâu (dân tộc ít người nhất khu vực Tây Nguyên và ít người thứ hai trong cả nước)…
Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng đã tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của dự án và tập huấn tới các tỉnh, thành, với 12 tài liệu khung, 13 lớp tập huấn hướng dẫn tới cán bộ Hội LHPN và các sở, ngành liên quan tại 100% các tỉnh, thành địa bàn dự án.
Tại địa phương
Tính đến tháng 12/2022 đã thành lập được 1.320 tổ truyền thông cộng đồng; thực hiện 4 gói chính hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức bình thường, chỉ đạo cơ sở Hội phối hợp với trạm y tế rà soát lập danh sách số phụ nữ đang mang thai, số phụ nữ đã sinh con và đã thực hiện hỗ trợ 36 bà mẹ sinh con tại trạm y tế, với số tiền 37,4 triệu đồng…
Các tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động và bước đầu thành lập, 131 "Địa chỉ tin cậy", 206 "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi"… Các mô hình, hoạt động của Dự án đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Về kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, năm 2023 cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ Trung ương đến địa phương; Tổ chức hội thi/liên hoan chia sẻ kinh nghiệm theo vùng miền về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi; Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Ký kết chương trình phối hợp với các Bộ, ngành Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo…