pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có bác sĩ, người dân Châu Khê không còn giao tính mạng cho thầy mo, thầy cúng
Vừa làm bác sĩ vừa là người bạn
Bác sĩ Lộc Đăng Sao là người dân tộc Thái ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, hiện là trưởng trạm y tế xã Châu Khê. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, anh đã về quê nhận công tác. Hơn 20 năm bám bản, bằng sự tận tâm, không ngừng học hỏi, bác sĩ Sao đã có chuyên môn vững vàng.
Là một người con của núi rừng, hơn ai hết, anh thấu hiểu được những khó khăn của bà con, dân bản trong chăm sóc sức khỏe. Với phần lớn người dân là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận với các thông tin cũng như biện pháp chăm sóc sức khỏe của bà con còn rất nhiều khó khăn. Tình trạng nhờ thầy cúng, thầy mo về nhà chữa bệnh từng là vấn đề khá phổ biến trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Để thay đổi nhận thức của bà con, bác Lộc Đăng Sao đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người dân thực hiện nếp sống vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh. Vừa làm bác sỹ, vừa làm bạn với bà con dân bản, dần dà anh đã tạo được niềm tin trong lòng mỗi người dân. Từ đó, vận động họ đến trạm y tế khi sinh đẻ, khi ốm đau để được cán bộ y tế tư vấn, chăm sóc sức khỏe.
Bà Vi Thị Diện (trú tại bản Châu Định, xã Châu Khê, huyện Con Cuông) cho biết: "Trước đây, mỗi khi người dân chúng tôi ốm đau hay tổ chức các lễ cúng, lễ khài mà vẫn không khỏi. Giờ có bác sĩ Sao đến làm ở trạm xã Châu Khê, ốm đau bà con đều tìm đến bác sĩ Sao. Vì thế, hạn chế được bệnh tật cho bà con".
Bà La Thị Soa (trú tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê) chia sẻ: "Bác sĩ Sao hay vào bản thăm bà con lắm. Dù mưa hay nắng, bác sĩ cũng đi đến từng nhà để chữa bệnh cho mọi người. Bây giờ có bác sĩ Sao, cả bản đều khỏe, đều vui".
"Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn nghề y"
"Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn học làm thầy thuốc để chữa bệnh cho bà con". Cho đến bây giờ, hơn 20 năm công tác trong ngành y, gắn bó và trăn trở cùng sức khỏe của đồng bào quê mình, bác sĩ Lộc Đăng Sao vẫn chưa bao giờ có ý định rời xa vùng đất này, bởi được phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho bà con quê hương, bản làng luôn là một tâm niệm lớn nhất của cuộc đời.
Ở vùng đất non cao như xã Châu Khê, người dân chủ yếu là người dân tộc Đan Lai. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc chia sẻ, đồng cảm với người bệnh luôn được bác sĩ Sao đặt lên hàng đầu. Mối quan hệ không chỉ đơn thuần giữa bác sĩ với bệnh nhân mà ở đó còn có mối đồng cảm, tương thân, tương ái.
Với vai trò là một trưởng trạm y tế, không chỉ làm tốt việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mà bác sĩ Sao còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh. Dù mưa hay nắng, bác sĩ Lộc Đăng Sao vẫn trực tiếp vào bản vận động nhân dân thay đổi tập tục lạc hậu, bám dân bám bản, gắn chặt với các hộ gia đình để kịp thời tư vấn và điều trị. 19 năm công tác tại trạm y tế xã Lạng Khê, bác sĩ Sao đã đóng góp nhiều công sức trong việc duy trì và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Bác sĩ Lộc Đăng Sao trăn trở: "Thay đổi được nhận thức cho bà con trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe đã là một việc khó, tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với các dịch vụ y tế còn khó hơn. Châu Khê là xã có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều thôn, bản cách xa trạm y tế xã hàng chục km, đến trạm y tế phải trèo đèo vượt suối, nên việc người dân đến trạm để khám và điều trị khi có bệnh là cả một hành trình nan giải.
Bác sĩ Sao kể: "Có lần vào bản thấy bệnh nhân nặng, phải ở lại trực đến khi người bệnh đỡ hẳn mới về, bản xa nhất cũng phải đi từ 30-40 km đường mòn đến tuyên truyền, cấp phát thuốc. Sau mỗi lần được khám bệnh, uống thuốc, sức khỏe người dân tốt hơn. "Mưa dầm thấm lâu", rồi cũng thành công, dân bản từ chỗ tin thầy thuốc, rồi chuyển thành quý mến lúc nào không hay. Có lần trực tiếp vào hỗ trợ một ca sinh nở, trời mưa lớn, từ trong bản ra đến trạm xá xa xôi, khó đi, chúng tôi đành đỡ đẻ ngay giữa đường, sau đó mới chuyển đến cơ sở y tế".
Do bà con dân tộc thiểu số sống rải rác trên các bản làng xa xôi, hiểm trở nên việc khám bệnh thường gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Sao bảo, sau hơn hai mươi năm làm công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông đúc rút ra rằng, cái khó nhất của những người thầy thuốc cắm bản đó là làm sao vận động được bà con tin và đến với mình.
Cứ thế, tháng này qua năm khác, người "thầy thuốc cắm bản" Lộc Đăng Sao âm thầm lặng lẽ, tận tâm tận lực với nghề. Để đến giờ, đi khắp vùng thôn bản của người Thái, người Đan Lai, từ núi cao đến thung sâu, đồng bào luôn nhắc đến bác sĩ Sao như nhắc về người thân ruột thịt của mình.