Sự ra đời của tấm ảnh lịch sử
Tháng 5/1959, nhân dân Tây Bắc nô nức chuẩn bị kỷ niệm ngày 7/5, ngày chiến thắng Điện Biên. Tôi là học sinh của trường dân tộc khu Tây Bắc. Cả trường có mình tôi là học sinh dân tộc Hà Nhì từ Mường Tè về học.
Thuận Châu lúc ấy là thủ phủ của khu Tây Bắc. Sáng 6/5/1959, chúng tôi được phân công dọn vệ sinh quanh khu vực trường. Công việc đang sôi nổi thì chúng tôi được thầy Thu, Hiệu trưởng của trường, thông báo: “Cô Chu Chà Me và các chị em mặc trang phục của dân tộc mình chuẩn bị đi đón Bác Hồ”.
Tôi bất ngờ, vội vàng mặc bộ quần áo dân tộc Hà Nhì rồi cùng 10 chị em đại diện cho các học sinh của trường lên xe đi gặp Bác. Suốt quãng đường từ trường tới Ủy ban khu, chúng tôi hồi hộp, suy nghĩ. Tôi đang mải suy nghĩ về Bác, xe đến Ủy ban khu lúc nào không biết. Xe chạy vào sân hội trường rồi dừng hẳn. Mấy đồng chí cán bộ khu đưa chúng tôi vào hội trường.
Nhìn thấy 3 đồng chí chuyên gia Liên Xô, tôi cũng lạ lắm vì lần đầu tiên được nhìn thấy người ngoại quốc. Một người nào đó trong chị em chúng tôi hô to: “Pú Hồ sen pi!” rồi cả hội trường vang lên tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm!” tiếng vỗ tay vang dội kéo dài.
Tôi thấy Bác ngồi cạnh các đồng chí lãnh đạo khu và các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Đúng như suy nghĩ của tôi, Bác đẹp hơn trong ảnh rất nhiều. Bác mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su, thật bình dị và gần gũi. Bác Hồ hỏi thăm tất cả chúng tôi quê ở đâu, dân tộc gì… Trong số chị em đi đón Bác, tôi là người ít tuổi nhất (lúc đó, tôi mới 17 tuổi), Bác hỏi:
- Cháu dân tộc gì?
Tôi trả lời:
- Thưa Bác! Cháu dân tộc Hà Nhì.
Bác hỏi tiếp:
- Quê cháu ở đâu?
Tôi chưa kịp trả lời thì một đồng chí cán bộ Ủy ban khu đỡ lời:
- Cô Chu Chà Me quê ở Mường Tè, là châu xa nhất của khu Bác ạ! Thế mà cô Me cũng chịu khó đi học.
Bác nói:
- Thế thì cháu rất tốt, cháu cần cố gắng học tập.
Bác hỏi tiếp:
- Cháu học lớp mấy?
Tôi trả lời:
- Thưa Bác! Cháu đang học lớp 1.
Bác lại hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Thưa Bác! Cháu 17 tuổi.
Tôi để ý hình như nét mặt Bác hơi buồn. Tôi nghĩ Bác buồn vì tôi 17 tuổi mới học lớp 1. Bác nói:
- Cháu 17 tuổi mới học lớp 1 vì trước kia chế độ thực dân phong kiến đã kìm hãm các dân tộc không được đi học.
Bác hỏi tôi:
- Thanh niên dân tộc Hà Nhì đã có nhiều người đi học chưa?
Tôi trả lời:
- Thưa Bác! Còn ít người đi học ạ!
Bác ân cần dặn dò:
- Cháu về nhà phải vận động thanh niên dân tộc Hà Nhì đi học, học nhiều mới có hiểu biết, có hiểu biết mới làm được cách mạng để làm chủ quê hương cháu, miền núi mới tiến kịp miền xuôi.
Bác đang nói chuyện với chúng tôi thì các chị tiếp tân mang bánh kẹo đến. Đồng chí cán bộ khu nói: “Bác có ít quà Hà Nội cùng vui chung”. Bác tươi cười và nhanh nhẹn đứng dậy lấy kẹo chia cho mọi người. Ai cũng vui sướng đón lấy chiếc kẹo Bác chia!
Sau đó, chúng tôi được ra sân chụp chung với Bác một kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Tấm ảnh đó hiện nay trở thành tấm ảnh lịch sử “Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ Tây Bắc năm 1959”. Tôi đứng đối diện với Bác, vui cười, mắt nhìn thẳng vào Bác. Giờ đây, mỗi lần nhìn lại tấm ảnh đó, tôi như sống lại những kỷ niệm cũ...
Tháng 9/1959, bế giảng khóa học, tôi về Mường Tè nhận công tác ở Đoàn thanh niên huyện. Tôi nghĩ đây chính là môi trường thuận lợi cho tôi thực hiện lời dạy của Bác. Sau khi nhận việc xong, cơ quan cử tôi về quê công tác kết hợp với nghỉ phép. Tôi vừa về đến nhà thì bà con dân bản và thanh niên Hà Nhì đã kéo đến đông đủ. Bà con dân bản hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi rất ngạc nhiên tại sao tôi chưa nói câu nào bà con dân bản và thanh niên đã biết tôi được gặp Bác Hồ:
- Chà Me! Mày được gặp A-ta Hồ (*) có đúng không? A-ta Hồ có khỏe không?
Tôi nói với bà con dân bản và thanh niên Hà Nhì:
- Đúng! Chà Me được gặp A-ta Hồ. A-ta Hồ khỏe và đẹp như tiên. A-ta Hồ hỏi thăm dân bản và bảo thanh niên Hà Nhì phải đi học nhiều mới biết chữ, có biết chữ mới làm được cách mạng.
Dân bản reo lên sung sướng:
- Đúng rồi! A-ta Hồ và Chà Me nói đúng. Chà Me đi học chữ, làm đúng lời A-ta Hồ dạy. Thanh niên Hà Nhì phải đi học thôi.
Khắc ghi lời Bác dạy
Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1960, tôi là một trong 2 người được huyện ủy Mường Tè chọn đi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Hà Nội. Nhận được tin vui, cả đêm hôm đó tôi không sao ngủ được. Mặc dù lúc ấy đang ốm tôi cũng cố đi để biết nơi Bác sống và làm việc.
3 giờ sáng ngày 2/9/1960, chúng tôi đã dậy để chuẩn bị đi dự mít tinh ở quảng trường Ba Đình lịch sử. Chúng tôi được ưu tiên ngồi trên lễ đài cánh phải, tầng thấp. Nhìn xuống quảng trường đông nghịt người đứng với hàng ngũ chỉnh tề và màu cờ, màu áo rực rỡ, tôi có cảm tưởng như cả nước cùng hội tụ về đây mừng ngày khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bỗng một tiếng vang lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Cả quảng trường hô theo như sấm dậy. Bác và các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước bước lên lễ đài. Buổi mít tinh biểu dương sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân về sự phát triển kinh tế, văn hóa, y tế giáo dục, các binh chủng quân đội...
Lúc ra về, ai cũng phấn khởi, còn tôi vẫn nghĩ một điều: Không biết mình có được gặp Bác nữa không? Nghe các chị trưởng đoàn đại biểu phụ nữ Việt Bắc và Tây Bắc bàn nhau đề nghị cho chị em dân tộc đến thăm Bác, tôi hy vọng có thể được gặp Bác để báo cáo với Bác sự phấn đấu và học tập của mình. Vâng lời Bác, tôi đã học hết lớp 2 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).
9 giờ sáng 4/9/1960, một chiếc xe con màu đen chạy vào nhà khách Trung ương Hội. Chị em chúng tôi đổ xô ra xem thì nhìn thấy Bác đang bước xuống. Chúng tôi vô cùng sung sướng chạy ra đón Bác. Tôi chạy vượt lên đến gần Bác, miệng gọi: “Bác Hồ!” mong sao Bác nhận ra tôi.
Quả nhiên, Bác quay lại nhìn tôi rồi Bác nói:
- À, cháu Chu Chà Me!
Tôi chưa biết nói thế nào, Bác đã ân cần hỏi:
- Cháu đi từ Mường Tè về Hà Nội có mệt lắm không?
Tôi vội vàng thưa với Bác:
- Thưa Bác! Cháu khỏe. Cháu chỉ mong được gặp Bác nên quên hết cả mệt mỏi.
Nghe tôi nói, Bác cười. Mọi người cùng cười theo. Bác hỏi tiếp:
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Thưa Bác! Cháu đã học hết lớp 2.
Bác khen tôi:
- Cháu tiến bộ nhanh nhưng sau này cháu phải cố gắng học thêm nữa làm việc mới tốt.
Rồi Bác lại hỏi:
- Thanh niên Hà Nhì đi học đã nhiều chưa?
Tôi không ngờ Bác lại nhớ tỉ mỉ từng việc nhỏ Bác đã dặn tôi cách đây đúng một năm, tôi trả lời Bác:
- Thưa Bác! Thanh niên Hà Nhì đã đi học nhiều hơn trước.
Bác khen:
- Thế thì tốt lắm! Cháu về nhà nói lại với thanh niên Hà Nhì là Bác rất mong các cháu tiến bộ nhanh.
Bác hỏi chuyện tôi đến đó thì các chị Trung ương Hội mời Bác và chị em vào hội trường. Chúng tôi ngồi quây quần quanh Bác.
Sau khi ổn định chỗ ngồi xong, Bác nói:
- Bác cho phép các cháu phát biểu tự do.
Chị em mỗi người một ý kiến. Có chị nói:
- Đàn ông còn nặng tư tưởng phong kiến đế quốc, còn tình trạng trọng nam khinh nữ.
Có chị lại nói:
- Các tổ chức cơ sở nhiều nơi không chú ý đào tạo, bồi dưỡng chị em nữ. Nhiều đàn ông còn làm khổ phụ nữ, còn đánh đập vợ con tàn tệ, quá đáng...
Khi chúng tôi phát biểu, Bác chăm chú lắng nghe rồi Bác nói:
- “Bác rất hiểu hoàn cảnh chị em là người bị áp bức bóc lột nhiều nhất dưới chế độ cũ. Cho đến nay phụ nữ đã được giải phóng song tư tưởng của chế độ cũ còn nặng nề không phải một lúc xóa bỏ ngay được. Lúc nào các tỉnh về họp, Bác sẽ nhắc các chú nhưng cái chính là các cháu phải tự đấu tranh với các chú nam giới một cách cương quyết để thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ”.
Bác vừa nói xong, các chị Trung ương Hội tuyên bố: “Đã 10 giờ rồi. Bác còn bận nhiều việc, mời Bác cùng chụp ảnh với chị em để làm kỷ niệm”.
Chụp ảnh xong Bác bắt tay lần lượt từng người. Bác dặn:
- Các cháu về nhà phải đấu tranh với các chú là phải tôn trọng chị em nữ.
Mọi người cùng cười.
Bác ra về, chúng tôi vẫy tay chào Bác cho đến khi xe đi khuất mới thôi.
Còn tôi, ghi sâu lời dạy của Bác, từ một cô gái Hà Nhì 17 tuổi mới học lớp 1 đã phấn đấu để trở thành cô gái Hà Nhì đầu tiên có trình độ đại học sư phạm. Lời dạy của Bác là nguồn sức mạnh giúp tôi vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Vâng lời Bác, những năm còn công tác ở huyện đoàn Mường Tè, tôi đã đem hết sức mình vận động thanh niên Hà Nhì đi học. Kết quả, nhiều thanh niên Hà Nhì đã đi học, tốt nghiệp đại học và giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể ở địa phương...
(*) A-ta Hồ: tiếng Hà Nhì là Cha Hồ; tít trong bài do Tòa soạn đặt