Cô giáo 8X giúp trẻ tự kỷ không còn "đặc biệt" nữa

An Khê
30/09/2024 - 14:01
Cô giáo 8X giúp trẻ tự kỷ không còn "đặc biệt" nữa

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa (giữa) trong một tiết học

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1987, quê Nghệ An) quyết định lên vùng cao để dạy trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Năm 2016, khi đến mảnh đất Sơn La, thấy chưa có ngôi trường nào dành cho trẻ mắc hội chứng này, chị Hòa đã ở lại giúp các em hòa nhập với cuộc sống.

Không dừng bước trước khó khăn

Ở đường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La, giờ đây đã có một trung tâm giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ mang tên Minh Tâm. Minh Tâm có nghĩa là tâm luôn sáng, đó là dụng ý của chị Hòa với mong muốn mang tâm sáng của mình dành cho các em nhỏ mắc chứng tự kỷ.

Chị Hòa chia sẻ, khi còn học ngành Công tác xã hội ở Đại học Sư phạm Vinh, chị may mắn được tham gia các chương trình hỗ trợ nhóm trẻ yếu thế như các em bé bị sang chấn tâm lý do biến cố trong cuộc sống hoặc trẻ bị bạo hành. Ra trường, lập gia đình và làm mẹ, chị rất thương khi thấy trong lớp của con có những trẻ nhỏ không hòa nhập được với mọi người. Chính vì vậy, chị luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ làm được điều gì cho các bé.

Khi đến với vùng đất Sơn La, ban đầu chị Hòa chỉ nhận trẻ về nhà dạy và đưa học trò đến các trường mầm non để hỗ trợ hòa nhập cho các con. Đến cuối năm 2017, nhiều bạn nhỏ đã tiến bộ, phụ huynh truyền tai nhau nên số lượng học sinh càng đông. Chị quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm.

Cô giáo 8X giúp trẻ tự kỷ không còn "đặc biệt" nữa- Ảnh 1.

Cô giáo Hòa đã ở lại Sơn La gieo mầm hy vọng cho các em mắc hội chứng tự kỷ hòa nhập với cuộc sống

Để có một mái ấm cho trẻ tự kỷ như hôm nay, chị đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Sơn La là tỉnh miền núi, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở đi lại rất vất vả. Giáo dục đặc biệt là một nghề đòi hỏi giáo viên luôn phải học tập để nâng cao chuyên môn và giảng dạy các con được tốt hơn. Do vậy, chị Hòa thường xuyên phải về Hà Nội hoặc vào TPHCM để học nâng cao. 

Không những thế, nhận thức của một số phụ huynh về tự kỷ, chậm phát triển hay các khuyết tật khác còn nhiều hạn chế. Do vậy, thời gian đầu, bản thân chị đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, giải thích về tầm quan trọng của can thiệp sớm cho trẻ đặc biệt với phụ huynh.

Bên cạnh đó, người dân một số vùng ở Sơn La khá nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây ăn quả, không có khu công nghiệp, dịch vụ còn chưa phát triển nhiều. Do vậy, không ít gia đình biết con có vấn đề nhưng không cho con tiếp cận can thiệp được. Vì thế, để trẻ đặc biệt được hỗ trợ tối ưu nhất, chị đã có nhiều chương trình miễn giảm học phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vì là Trung tâm tự thu tự chi nên điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, dù công việc rất áp lực nhưng thu nhập của giáo viên lại thấp và bấp bênh.

Chi phí học tập tốn kém, các gia đình vùng cao lại khó khăn về kinh tế, nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; thương trò, chị Hòa lại bỏ tiền túi để hỗ trợ các học sinh. Một số em mồ côi, bệnh tật được chị miễn học phí hoặc chỉ thu khoản nhỏ để phụ huynh có trách nhiệm với con... 

Ở học sinh đặc biệt, mỗi trẻ là một dạng khó khăn cần hỗ trợ riêng, giáo án riêng, bài học riêng nên mất nhiều thời gian đầu tư hơn. Chưa kể trẻ dễ có những hành vi gây thương tích cho giáo viên. Nhiều ca nặng, nếu giáo viên không kiên trì, không yêu nghề, yêu trẻ thì sẽ rất dễ nản lòng.

Vượt trên những khó khăn đó, điều khiến chị không bỏ cuộc và đi tới cùng là tình yêu trẻ và tâm huyết với nghề. "Mình vẫn đau đáu với những sự "đặc biệt" của trẻ để làm sao các con không còn "đặc biệt" nữa. Mình tự nguyện và dành trọn tâm huyết cho công việc khó khăn này. Mình muốn viết nên câu chuyện cuộc đời rất riêng của mình là một giáo viên đặc biệt", chị Hòa tâm sự.

Hạnh phúc của chị là nhìn thấy các em nhỏ sau khi đến Trung tâm đã tiến bộ hơn rất nhiều, có thể nói, giao tiếp, đọc, viết và phát triển năng khiếu của bản thân. Hơn nữa, các bé có cơ hội sẽ trở nên "hết đặc biệt" như mong ước của chị.

Nỗ lực đưa trẻ tự kỷ hòa nhập

Tuy vậy, theo chị Hòa, con đường hòa nhập của trẻ "đặc biệt" vẫn còn nhiều khó khăn, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn đâu đó còn tồn tại. Nỗi lòng của phụ huynh có con tự kỷ vẫn còn nhiều điều cần sẻ chia.

"Giáo viên đặc biệt" là nghề đúng như tên gọi của nó: đặc biệt khó khăn, vất vả, áp lực và cần đặc biệt nỗ lực, kiên trì, tâm huyết mới có thể bám trụ và yêu nghề. Khối lượng công việc nhiều và còn giữ vai trò là người bạn tâm giao chia sẻ những gánh nặng về tâm lý và có khi là trầm cảm của phụ huynh, điều đó đòi hỏi chị không ngừng nỗ lực.

Cô giáo 8X giúp trẻ tự kỷ không còn "đặc biệt" nữa- Ảnh 2.

Hạnh phúc của chị Hòa và các giáo viên là nhìn thấy các em nhỏ sau khi đến Trung tâm đã tiến bộ hơn rất nhiều

Dành đa phần thời gian cho "con người ta", chị Hòa cũng phải hy sinh những thú vui của bản thân. Mỗi tối, chị phải soạn giáo án và trò chuyện, trao đổi với phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ, hướng dẫn các mẹ bài tập về nhà cho con…

"2 bé nhà mình hiểu được tính chất công việc của mẹ nên khá tự lập. Mình thiết kế các thời gian biểu cho 2 bé tự hình dung và tự làm các việc nhà và học tập. Người thân trong đại gia đình cũng hỗ trợ cả về tinh thần lẫn công việc. Mọi người luôn động viên mình cố gắng để làm tốt nhất công việc ý nghĩa này. Mình hạnh phúc và biết ơn về những điều đẹp đẽ đó", chị Hòa xúc động chia sẻ.

Chị Hòa bộc bạch, chị chỉ có mong muốn tất cả trẻ tự kỷ hay có nguy cơ tự kỷ sẽ được phát hiện sớm, được can thiệp đúng và can thiệp đủ, để rồi các con được chấp nhận, tôn trọng trong tất cả các môi trường. Chị cũng mong các gia đình có con tự kỷ hiểu hơn về vấn đề này, chấp nhận và vào cuộc quyết liệt cùng các con trong hành trình đầy gian khó.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm là trung tâm duy nhất được UBND tỉnh Sơn La cấp phép hoạt động vì đủ năng lực. Hiện trung tâm có 60 học sinh, 20 giáo viên. Các em nhỏ chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở TP Sơn La và các huyện: Thuận Châu, Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mường La… mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động, down, bại não, khiếm thính.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Hòa và đội ngũ giáo viên đặc biệt, đến nay đã có gần 1.000 trẻ tự kỷ tiến bộ và hòa nhập được với cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm