Cha mẹ của trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ tâm lý

An Khê
02/04/2024 - 08:01
Cha mẹ của trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ tâm lý

Chị Nguyễn Thị Mai Anh và con trai Nguyễn Trung Hiếu

Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày "Thế giới nhận thức về tự kỷ", nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Tự kỷ không còn là cụm từ xa lạ trong xã hội ngày nay. Cộng đồng tuy đã quan tâm nhiều đến các biện pháp hỗ trợ người tự kỷ nhưng lại ít có những giải pháp nhằm hỗ trợ tâm lý đối với cha mẹ tự kỷ. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm phát hiện sớm các biểu hiện tự kỷ, việc hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Làm sao để cha mẹ chấp nhận khi biết con mình tự kỷ?

Khi đưa con đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ, nhiều phụ huynh không sẵn sàng chấp nhận ngay mà có xu hướng tìm đến cơ sở y tế khác để khám lại, hy vọng có câu trả lời khác cho con mình. Họ đưa ra cả nghìn lý do để "từ chối" việc con mình tự kỷ như do con chậm nói, do con được nuông chiều quá nên hay đập phá, nóng tính, do xem điện thoại nên rối loạn cảm xúc…

Rồi tiếp đó, có những gia đình đổ lỗi cho nhau, hoặc đổ lỗi cho chính mình đã không nuôi dưỡng con đúng cách. Họ bắt đầu choáng váng, tuyệt vọng, sau đó tìm hiểu, chấp nhận trong trạng thái bi quan. Và có lẽ phải khá lâu sau cha mẹ mới chấp nhận được sự thật rằng con bị tự kỷ và bắt đầu đồng hành cùng con. Nhưng không ít trong số họ, có những người trầm cảm, rối loạn lo âu khi con tự kỷ. Cảm xúc của cha mẹ tác động lên trẻ tự kỷ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, muốn hỗ trợ trẻ tự kỷ đạt hiệu quả tốt nhất, trước hết cần hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ của trẻ.

Cha mẹ của trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ tâm lý- Ảnh 1.

Hiếu (ngoài cùng bên trái) tại lớp học vẽ

Là một người mẹ chăm con trai tự kỷ suốt 25 năm, chị Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội đã nỗ lực dành những cảm xúc lạc quan nhất để truyền tải sang con. Nhờ những nỗ lực của mẹ, Nguyễn Trung Hiếu - chàng trai tự kỷ 25 tuổi có thể vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ là organ, piano, saxophone, guitar, sáo trúc, trống điện tử. Ngoài khả năng chơi được nhiều nhạc cụ, Hiếu còn có thể sáng tác nhạc, mix nhạc DJ và vẽ tranh màu acrylic.

Với những năng khiếu đó, Hiếu gần như trở thành niềm mơ ước không chỉ của những cha mẹ có con tự kỷ mà còn của những cha mẹ có những đứa trẻ bình thường khác. Theo chị Mai Anh, gia đình đã điều trị can thiệp cho Hiếu từ năm 3 tuổi. Điều ý nghĩa nhất mà chị làm được cho con chính là giúp con có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, biết vẽ tranh, đàn hát, giao tiếp, thể hiện mong muốn, nói ra được mong muốn cảm xúc, suy nghĩ của mình.

"Tôi rất mong các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ cố gắng có suy nghĩ tích cực, không gò ép bản thân mà phải chiến đấu kịch lực. Đây là hội chứng sẽ theo con suốt cuộc đời, nên cha mẹ cần chiến đấu cùng với con theo khả năng của gia đình mình, miễn sao cùng con đi quãng đường dài nhất cả về kinh tế lẫn sức khỏe", chị Mai Anh chia sẻ.

Đến giai đoạn dám đối diện và chấp nhận, cha mẹ bắt đầu hiểu những khó khăn và khác biệt của trẻ, hiểu được vai trò quan trọng của gia đình trong điều trị cho con. Dù có thể trên chặng đường can thiệp cho trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại và thách thức, cảm xúc của cha mẹ vẫn là điều quan trọng nhất tác động lên tiến trình can thiệp tự kỷ cho con mình. Như chị Mai Anh, chị không những đồng hành cùng con mà còn khơi dậy trong con tài năng, giúp con có hạnh phúc của riêng mình.

Nâng cao năng lực cho phụ huynh nhận thức về tự kỷ

Vấn đề lớn nhất của trẻ tự kỷ là phát hiện muộn và tiến hành can thiệp muộn. Trẻ cần phải được đo lường sự phát triển từ 2 tháng tuổi, với các công cụ test đã được phổ biến ở nhiều nước, để sớm phát hiện ra các bất thường nếu có về ngôn ngữ, hành vi, các kỹ năng… Nếu phát hiện muộn, sẽ dễ dẫn đến can thiệp muộn, bỏ lỡ nhiều thời gian "vàng" cho trẻ.

Cha mẹ của trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ tâm lý- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hoa Mai, Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN)

Bà Trần Thị Hoa Mai, Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) cho rằng, trẻ có thể được phát hiện sớm, nhưng cha mẹ lại chưa khẩn trương vào cuộc học hỏi để làm can thiệp, dẫn đến con tiến bộ rất chậm. Sự can thiệp không tốt và không phù hợp từ nhỏ sẽ dẫn đến việc thiếu các kỹ năng vào tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành. Không tham gia đi học hòa nhập, cũng khó theo được các mô hình giáo dục hướng nghiệp sau này.

Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) là tổ chức trực thuộc Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam. Sau 11 năm thành lập, VAN đã xây dựng được một cộng đồng cha mẹ trải rộng hầu khắp các tỉnh thành, thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trên diễn đàn chung.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4) năm nay, VAN là đồng tổ chức cùng với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP cùng với nhiều đối tác khác, tổ chức Đại hội thể thao thân thiện cho trẻ em khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển tại Quảng Nam và nhiều ngày hội thể thao các tỉnh, thành phố trên cả nước.

"Nhưng muốn tiến hành can thiệp sớm cho trẻ ngay khi mới phát hiện, thì cần có nhận thức tốt của bố mẹ, có thời gian và chi phí tài chính. Quá trình can thiệp sớm kéo dài cả năm hoặc nhiều năm và không phải gia đình nào cũng dễ dàng làm được. Cho đến nay cũng chưa có một hệ thống dịch vụ can thiệp công nào dành cho đối tượng tự kỷ, chi phí can thiệp bố mẹ phải chi trả 100%. Đó là một khó khăn không dễ vượt qua", bà Hoa Mai cho biết.

Theo bà Hoa Mai, nhận thức về tự kỷ trong cộng đồng đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước đây theo hướng tích cực. Nếu như trước kia, trẻ em tự kỷ thường bị cho là bệnh con nhà giàu, bệnh do xem nhiều tivi, do bố mẹ ít quan tâm chăm sóc, thì giờ đây, đa phần mọi người đã hiểu đó là một khuyết tật do rối loạn phát triển não bộ, rất cần sự cảm thông, thấu hiểu, giúp đỡ hỗ trợ.

Cha mẹ của trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ tâm lý- Ảnh 3.

Dù can thiệp giúp trẻ tự kỷ gặp nhiều trở ngại và thách thức nhưng cảm xúc của cha mẹ vẫn là điều quan trọng nhất

Trong hoạt động nâng cao năng lực cho phụ huynh của mình, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam định hướng cha mẹ luôn phải là người đồng hành, người trực tiếp can thiệp cho con dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Không có sự can thiệp tự kỷ nào hiệu quả hơn mô hình này, vì sự kiên trì, nhẫn nại, hiểu tường tận về con của cha mẹ, kết hợp với phương pháp khoa học mà bố mẹ được học, chính là liệu pháp tốt nhất mang lại khả năng tiến bộ cho trẻ tự kỷ.

Theo nghiên cứu mới nhất tháng 3/2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp, lời nói và phát triển các mối quan hệ xã hội.. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh...


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm