pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thôn nữ dân tộc Tày thành công với loại “hạt tỉ đô” ở vùng đất Lâm Hà
Cuộc sống của bà con đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất Tây Nguyên ngày càng ổn định, phát triển bằng sự chủ động vươn lên đi cùng với các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, nâng cao cuộc sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) là những định hướng của tỉnh Lâm Đồng, với sự phối hợp của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng và Đoàn Thanh niên. Xác định rõ mục tiêu, thực hiện đúng trọng tâm, nhiều năm vừa qua, công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ các dân tộc thiểu số đã đạt được rất nhiều kết quả tại Lâm Đồng. Với nguồn lực rất lớn, thế mạnh về đất và điều kiện tự nhiên, đi lên từ các sản phẩm nông nghiệp là định hướng đúng đắn và phù hợp tại Lâm Đồng.
"Những năm qua, hàng ngàn phụ nữ DTTS trong tỉnh đã được tiếp cận với nhiều chương trình tạo việc làm, nâng cao kĩ năng. Ngoài các chương trình, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ DTTS, thì giai đoạn tới, việc thực hiện có hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tăng thêm cơ hội để nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS", bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Trong những kết quả đạt được chung của tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà đã có nhiều đóng góp. Hội LHPN huyện Lâm Hà đã thực hiện vượt các nhóm chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là về phát triển, nâng cao đời sống và thu nhập cho phụ nữ.
Một điều đặc biệt tại địa bàn huyện Lâm Hà là nơi đây không chỉ là nơi sinh sống, làm ăn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mà đã trở thành mảnh đất của rất nhiều các dân tộc anh em. Người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ, người các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái… tại vùng núi phía Bắc đã di cư theo chính sách xây dựng kinh tế mới trước đây, và đứng vững tại mảnh đất Tây Nguyên. Tây Nguyên đầy nắng và gió, mảnh đất mới mang đến nguồn năng lượng mới, khoáng đạt dạt dào.
"Ở thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà nơi tôi sống có đủ đồng bào các dân tộc. Tôi là người Tày, quê gốc Cao Bằng, theo cha mẹ vào đây từ năm 1991. Tại đây, mọi người đều vẫn giữ các nét văn hóa, phong tục của dân tộc mình. Các hoạt động như hát then, chơi đàn tính vẫn được các bà, các mẹ dạy lại cho những người trẻ. Tôi vẫn luôn là cô thôn nữ Tày dù đang ở đất Tây Nguyên", Lương Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh chia sẻ. Trong các hoạt động của mình, Kim Chi vẫn luôn mặc trang phục, đeo chiếc kiềng bạc đặc trưng của phụ nữ Tày. Kim Chi cho biết tiềm năng nông nghiệp tại Lâm Hà là rất lớn, chỉ riêng tại xã Tân Thanh đã có tới khoảng 1.000 ha cây Mắc ca.
Nói đến Mắc ca (Macadamia, có nguồn gốc từ châu Úc) là nói đến "cây tỉ đô", nói đến loại hạt được mệnh danh là "vua của các loại hạt". Bên trong loại hạt có màu trắng sữa, vỏ nâu cứng này chứa nhiều các chất dinh dưỡng thiết yếu khác nhau như chất xơ và chất chống ô xy hóa, giúp giảm nguy cơ và kiểm soát bệnh tim mạch, tiểu đường, có thể làm giảm mức cholesterol toàn phần. Hạt macca nhỏ bé nhưng chứa hàng loạt dưỡng chất tốt cho sức khỏe như chất đạm, chất béo, Vitamin E, Mangan, Thiamin… Mắc ca trước đây được đưa vào thử trồng theo các chương trình xóa đói giảm nghèo, và giờ đây được coi là cây có thể làm giàu cho người nông dân bởi giá trị thương mại rất lớn từ loại hạt đắt giá này.
Xã Tân Thanh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Những vườn Mắc ca, cà phê, bơ, sầu riêng đã giúp đời sống bà con nhân dân, trong đó có rất nhiều là đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển đi lên. Trong đó, các thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh là những thanh niên đầu tiên gắn bó phát triển cây Mắc ca. Thành viên của Hợp tác xã là con em của các dân tộc khác nhau, có người Tày, người Nùng, người Dao.
Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng thời gian đầu thành lập, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Trước đây, đầu ra còn kém bởi việc chế biến sản phẩm vẫn còn thủ công, hiệu quả chưa cao, chưa có thương hiệu. Việc liên kết hợp tác các nông hộ đã hình thành lên chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi năm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh có thể cho ra sản lượng 20 tấn Mắc ca sấy, với công nghệ sấy chuẩn chất lượng cao.
Với sự năng động, nhiệt huyết, chị Kim Chi đã có nhiều đóng góp, cùng với các thành viên Hợp tác xã chú trọng hơn đến việc qui chuẩn sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện sản phẩm hạt Mắc ca sấy mang thương hiệu Tân Thanh đã xuất hiện khắp cả nước, bán rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử và đã được khách hàng mang ra nước ngoài. Mô hình của Hợp tác xã Tân Thanh được đánh giá cao, nhiều hợp tác xã khác đã tìm tới và học hỏi kinh nghiệm.
"Tôi là phụ nữ, lại là người dân tộc thiểu số nên đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện Lâm Hà cho đến tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi chính thức ra mắt sản phẩm tại sự kiện Tuần lễ vàng du lịch tỉnh Lâm Đồng. Các cấp Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về kinh doanh, phát triển sản phẩm, tham gia các sự kiện giao lưu với các doanh nghiệp để có cơ hội vừa học hỏi vừa mở rộng hợp tác. Những giọt mồ hôi đã đổ xuống, những công sức, khát vọng được gửi gắm vào hạt Mắc ca, và giờ đây hạt Mắc ca Tân Thanh của chúng tôi đã có được những thành công nhất định, có hướng đi vững chắc để tiếp tục phát triển", cô gái Tày trên đất Tây Nguyên Lương Kim Chi chia sẻ.