Có tới 80 văn bản chính sách hỗ trợ người nghèo nhưng rất chồng chéo

19/05/2017 - 10:51
Nhiều chính sách và nguồn lực hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn. Tuy nhiên thực tế hiện nay có hơn 80 loại văn bản quy định chính sách hỗ trợ khác nhau gây dàn trải, manh mún, bất hợp lý, khiến người nghèo trông chờ ỷ lại.

 

giam-ngheo-1-of-1.jpg
Tỉ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới là gần 8,4%, tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn khoảng 46,4%

Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí năm 2017”, từ ngày 17 đến 18/5 tại Phú Thọ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết đối với người nghèo, cần cho họ “cần câu” và hướng dẫn cách “câu cá” thay vì cho “cá”. Hiện, có khoảng 80 loại chính sách khác nhau cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Thậm chí, cùng một chính sách hỗ trợ cho người nghèo cuả các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ lại có các văn bản quy định khác nhau và được bổ sung thường xuyên, khiến cho số lượng văn bản chính sách thành... khổng lồ. Chính bản thân các cán bộ cơ sở không nhớ nổi có bao nhiêu chính sách cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, theo ông Đàm, có nhiều văn bản chính sách sẽ gây ra dàn trải về nguồn lực và manh mún, không tập trung thành sức mạnh cho người nghèo thoát nghèo bền vững.

Để giải quyết những bất cập này, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, các cơ quan liên quan đang rà soát lại tất cả các văn bản chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Nhiều loại chính sách cần ghép lại với nhau để thành một văn bản chính sách thống nhất. Đồng thời, phương châm thực hiện chương trình giảm nghèo là dựa hòan toàn vào cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể, động lực chính để thoát nghèo, chứ không làm theo để mỗi người dân thấy đó là công việc của chính mình.

giam-ngheo-1-of-3.jpg
Hỗ trợ giảm nghèo hướng đến cho hộ nghèo “cần câu” và hướng dẫn cách “câu cá” thay vì cho “cá” 

Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về giảm nghèo, cho biết: Cơ quan này đang tiến hành rà soát lại các chính sách hỗ trợ người nghèo. Tuy vậy ông cũng nhìn nhận một thực tế là việc ghép các chính sách hỗ trợ mới đang là sự cộng dồn về số học, mà chưa đo lường theo chuẩn nghèo đa chiều; các chính sách vẫn là “hỗ trợ dàn hàng ngang”. Thay đổi được điều này sẽ cần cả quá trình, đồng thời cần có những sửa đổi trong luật mới có thể tiếp tục điều chỉnh các quy định dưới luật”, ông Thi nói.

Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới là gần 8,4%, tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn khoảng 46,4%. Trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 là tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc,miền núi; Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 21 Chương trình có mục tiêu.

 Chương trình lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về. Đặc biệt, chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo; Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm